ThienNhien.Net – TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng – Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, đề xuất như vậy vì nếu làm sẽ thua lỗ rất nặng.
Bộ Công Thương vừa xin ưu đãi thuế, phí, vay vốn hộ Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) để tiếp tục “hà hơi thổi ngạt” cho dự án Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) duy trì sản xuất và triển khai tiếp dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông). Có cần thiết phải theo đuổi đến cùng 2 dự án này?
– TS Nguyễn Thành Sơn: Tôi vừa có chuyến khảo sát ở Tây Nguyên về và thấy rằng Vinacomin phải trả lời trung thực hàng loạt câu hỏi đối với Nhà máy Tân Rai như công suất, chất lượng alumin bị ép giá, giá thành, giá bán, hồ bùn đổ tốc độ đầy nhanh, hoàn thổ đất chỉ có thể trồng cây keo… Còn về dự án Nhân Cơ thì chắc chắn không thể kịp tiến độ.
Đối với một dự án kinh tế, điều quan trọng nhất chính là hiệu quả kinh tế nhưng lại không có. Còn viện lý do hiệu quả tổng hợp từ xã hội, môi trường thì nay đã rõ. Hiệu quả kinh tế – xã hội mà miễn đủ loại thuế thì trách nhiệm và nghĩa vụ đã bị chối bỏ. Còn hiệu quả kinh tế, môi trường mà lại đi xin miễn phí môi trường (hoàn thổ). Không biết Vinacomin còn cơ sở nào để khẳng định dự án bauxite Tây Nguyên có hiệu quả?!
Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ: “Dự án Nhân Cơ cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”. Nay Tân Rai không có hiệu quả, vậy đây có phải là lúc đưa ra quyết định dừng dự án Nhân Cơ?
– TS Nguyễn Thành Sơn: Đúng ra, dự án nhà máy alumin phải dừng từ trước đây rất lâu, thậm chí kể cả việc khởi công xây dựng. Còn đến giờ, với “trái đắng Tân Rai” thì việc tạm dừng Nhân Cơ lại là việc trước hết nên làm dù dự án này đã gần hoàn tất xây dựng.
Tân Rai thuận lợi hơn Nhân Cơ như vậy mà còn điêu đứng, phải liên tiếp xin cơ chế hỗ trợ. Trong khi Nhân Cơ đường vận chuyển khó khăn hơn rất nhiều, giá trị đầu tư cao hơn, tiến độ dự án chậm…, dẫn đến rủi ro rất lớn.
Tổng mức đầu tư cho Nhân Cơ là 16.822 tỉ đồng, tăng 4.318 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt vào tháng 2-2010, dự kiến sẽ chạy thử vào quý III/2014. Có nên “cố đấm ăn xôi”?
– TS Nguyễn Thành Sơn: Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là dự án Tân Rai thuận lợi hơn khi nhà máy còn mới, nhà thầu còn đang bảo hành, hồ bùn đỏ còn nhiều chưa phải đầu tư thêm… nên chi phí sản xuất đã phần nào giảm đi. Vài năm nữa dù giá nhôm có thể tăng lên, đã hoàn vốn một phần nhà máy để giảm lãi vay (trong trường hợp duy trì sản xuất liên tục) nhưng với thiết bị nhà máy lại cũ, dẫn đến chi phí tăng lên. Tôi khẳng định Nhà máy Tân Rai không thể có lãi ngay sau năm 2020 và Nhân Cơ cũng tương tự.
Từ trước đây, khi thấy Vinacomin quyết tâm làm Nhân Cơ và ký hợp đồng với nhà thầu, tôi đã kiến nghị là nên di dời toàn bộ thiết bị nhà máy này về xây dựng cạnh Tân Rai vì diện tích ở đây còn rất lớn, nhất là chi phí vận chuyển alumin về cảng Gò Dầu còn khả dĩ, đồng thời xem Nhân Cơ là giai đoạn 2 của Tân Rai. Còn cứ để ở Đắk Nông thì chỉ có lỗ vì chi phí vận chuyển quá lớn. Cố thực hiện giấc mơ điện phân nhôm ở Nhân Cơ là viển vông vì lấy đâu ra điện. Làm gì có nhà máy điện nào ở đây mà giá thành điện rẻ hơn 3-4 cent/KWh. Làm thế khác nào “đếm cua trong lỗ”.
Tóm lại, dự án bauxite Nhân Cơ chỉ còn cách “đắp chiếu” để đó hoặc dỡ nhà máy đưa về Tân Rai là tốt hơn cả bởi nếu có sản xuất thì sẽ lỗ rất nặng.
Các dự án bauxite như hiện nay cứ kéo dài mãi thì sẽ đi về đâu?
– TS Nguyễn Thành Sơn: Cứ kéo dài mãi thì trước hết, nền kinh tế chẳng được gì, ngân sách cũng không thu được, tài nguyên khoáng sản thì mất. Về phía Vinacomin cũng chỉ hy vọng là có lãi mà không thể tự quyết. Đáng ngại nhất là cứ khó khăn mãi đến lúc Vinacomin phải cổ phần hóa dự án và nước ngoài sẽ nhảy vào mua. Dù kết luận của Bộ Chính trị là “chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài” cũng khó giữ được khi dự án rơi vào tình thế bất khả kháng.
Khi nhà máy không có lãi, không đủ tiền trả nợ vay thì phải bán cho nước ngoài. Và lúc đó thì rất nguy hiểm, như chính kết luận của Bộ Chính trị: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa”.
Dự án bauxite đã qua 2 khóa Quốc hội với nhiều ý kiến phản đối của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học nhưng vẫn được triển khai và nay Bộ Công Thương lại tiếp tục làm “bà đỡ” đi xin cơ chế. Vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương cùng cơ chế giám sát của Quốc hội phải được xem xét như thế nào?
– TS Nguyễn Thành Sơn: Hiện nay, việc hình thành cơ chế quản lý của nước ta là “trên dựa vào dưới”. Quốc hội, Chính phủ nghe Bộ Công Thương giải trình, Bộ Công Thương thì nghe Vinacomin giải trình. Bên dưới nói “không sao, tốt” thì bên trên cũng nghe vậy, trong khi chức năng mỗi nơi một khác.
Việc Vinacomin xin cơ chế hỗ trợ, tìm mọi cách lách luật là tất yếu vì họ đang ngồi trên lưng hổ, nếu là tôi thì tôi cũng xin. Tuy nhiên, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là những cơ quan tham mưu của Chính phủ thì phải có trách nhiệm “tuýt còi” khi thấy không hiệu quả.
Còn Quốc hội thì phải nghe nhiều nơi, nhiều phía và phải có quan điểm, thái độ cương quyết.
Liên tục xin nhiều ưu đãi
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về dự án bauxite Tây Nguyên gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý, trong cáo cáo này, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị có hàng loạt ưu đãi cho Vinacomin như giảm thuế, phí bảo vệ môi trường, “chính sách đền bù hợp lý” trong giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, dù alumin là sản phẩm nguyên liệu để sản xuất nhôm nhưng Bộ Công Thương cho rằng alumin được chế biến sâu từ quặng bauxite nên cần được cho hưởng thuế GTGT bằng 0% và giảm thuế tài nguyên cho quặng bauxite. Trước đó, tháng 9-2013, Vinacomin đã xin giảm 10 lần phí môi trường! |
Góc nhìn: Tiến thoái lưỡng nan
Báo cáo của Bộ Công Thương giải trình với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ hợp dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) dày đặc nội dung kể khổ và chốt lại là đề xuất giảm phí môi trường 10 lần so với hiện hành, giảm thuế tài nguyên, điều chỉnh mức đền bù giải phóng mặt bằng để tháo gỡ khó khăn cho dự án Tân Rai. Đây không phải là lần đầu xin được ưu ái, dự án Tân Rai đã được ưu đãi hàng loạt thứ rồi: được miễn giảm tiền thuế đất; được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, tạo tài sản cố định; được miễn thuế nhập khẩu cho linh kiện, vật tư nhập khẩu lắp đặt đồng bộ với thiết bị tại dự án alumin Tân Rai; miễn thuế nhập khẩu chất trợ lắng cho sản xuất trong 5 năm; giảm thuế nhập khẩu xút lỏng từ 20% chỉ còn 3%; miễn thuế xuất khẩu alumin; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; được Chính phủ cấp bảo lãnh vay vốn… Trong khi đó, kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 nêu rõ: “Xây dựng ngành công nghiệp bauxite, alumin, nhôm phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên nói riêng”. Liệu dự án bauxite Tây Nguyên có đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội hay không khi mà ngay cả nghĩa vụ thuế, phí và trách nhiệm đền bù cho dân liên tục được miễn, giảm? Đây chính là câu trả lời đầy đủ nhất dành cho lời hứa của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinacomin, ông Trần Xuân Hòa, trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII vào tháng 5-2013. Lúc đó, ông nói “chắc như bắp” là 2 tháng nữa, mọi người sẽ thấy kết quả của dự án alumin Nhân Cơ, đồng thời khẳng định không có chuyện dừng dự án Nhân Cơ, bất chấp cả núi khó khăn ở phía trước. Gần 1 năm đã trôi qua, câu trả lời của ông Trần Xuân Hòa chưa thấy đâu thì “người anh song sinh” của dự án Nhân Cơ là Tân Rai đang tròng trành dở dang và phải nhờ cậy đến bộ chủ quản xin cơ chế, chính sách ưu đãi để khỏi đắm thêm. Tân Rai có lợi thế từ quãng đường vận chuyển alumin ngắn, nhà máy đã đi vào hoạt động sớm… so với Nhân Cơ mà còn khó như vậy thì Nhân Cơ sẽ phải bám víu vào niềm tin nào đây? Ngay cả với dự tính làm điện phân nhôm, việc tìm nguồn điện phục vụ vẫn mờ mịt. Thực tế đã đặt Vinacomin vào tình thế phải tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, dù muộn còn hơn không. Đó là “rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”. Bảo Trân/nld.com.vn |