ThienNhien.Net – Giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa hay chuyển đổi dần sang trồng cây khác? Câu hỏi rất lớn vẫn chưa có lời giải.
Theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn công bố gần đây cho thấy, người trồng lúa đang gặp nhiều khó khăn và thu nhập thấp.
Mặc dù ĐBSCL – vựa lúa lớn cung cấp đến 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, giúp Việt Nam nhiều năm luôn ở trong tốp đầu các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng người dân thu nhập không tương xứng với công sức làm ra. Thu nhập trung bình của người trồng lúa được ghi nhận chỉ đạt 535.000/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nêu rõ: Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần chuẩn bị thu hoạch lúa cao điểm, chính quyền tỉnh rất lo lắng.
“Khi mới vào vụ thu hoạch giá lúa còn tương đối cao, nhưng tới thời điểm thu hoạch rộ là lại có chuyện nông dân bị thương lái ép giá, giá lúa rớt thê thảm. Do vậy, việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cần phải được tính toán lại. Như hiện nay, thu nhập của người dân với 1 ha thu hoạch được 5 tấn thóc, giá thành 5.000 đồng/kg, một gia đình có 5 nhân khẩu chia ra mỗi người chưa đạt 600.000 đồng/tháng”, ông Khang phân tích.
Trong khi đó, qua những con số thống kê, mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi hàng năm, Việt Nam là một đất nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, lại phải nhập khẩu một lượng lớn ngô và đậu tương để phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, trong năm 2013, Việt Nam đã phải nhập trên 1,5 triệu tấn ngô hạt, gần 2,5 triệu tấn khô dầu đậu tương, 600.000 tấn hạt đậu tương và một số nguyên liệu khác. Tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 3,4 tỉ USD, gần bằng với tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của năm 2012 với hơn 3,7 tỉ USD.
Chính vì những bất cập này, việc dành toàn bộ 3,8 triệu ha để trồng lúa, trong đó mục tiêu lớn là để xuất khẩu đã và đang được các địa phương, bộ ngành đưa ra những kế hoạch thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.
Thực tế hiện nay, xuất phát từ những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nhiều diện tích trồng lúa tại các địa phương ở khu vực ĐBSCL đã được dịch chuyển sang trồng các loại cây con khác, mang giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, những loại cây trồng như ngô bao tử, đỗ tương, mè, rau màu… đang thu hút người nông dân chuyển đổi.
Tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, mô hình trồng thanh long cũng đã được áp dụng rất thành công, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Phương ở xã Quơn Long cho biết, trước đây với việc gieo trồng cây lúa, thu nhập rất bấp bênh, nhưng từ khi chuyển qua trồng thanh long thì chỉ với 4 công đất, ông Phương thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
“Những năm trước trồng lúa thu nhập khó khăn, ở khu này chỉ có tôi với đứa em chuyển qua trồng thanh long. Mấy năm trước, thanh long bán được 15.000 – 17.000 đồng/kg. Tới năm vừa qua, thanh long có giá trên 23.000 đồng/kg, tính trung bình mỗi năm thanh long cho thu nhập trên 100 triệu đồng”, ông Phương vui vẻ nói.
Tuy nhiên, khi đặt ra câu hỏi vì sao nông dân chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn với cây lúa? Theo giãi bày của nhiều nông dân cả đời quen với một nắng hai sương cho biết: “Trồng lúa là nghề truyền thống” đã bao đời nay, nếu không trồng lúa, nông dân biết trồng cây gì để sống”.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đầu tư cho cây lúa gần 40 năm, hạ tầng nông nghiệp nông thôn đều tập trung cho cây lúa và chế biến lúa gạo. Do vậy, việc chuyển dịch cũng không thể thực hiện nhanh để thay đổi cơ cấu.
Chúng ta từng đặt câu hỏi “trồng cây gì – nuôi con gì…”, nhưng đến nay cũng chưa có giải đáp thỏa đáng. Ngoài lúa gạo, một số nông sản khác có giá trị rất cao như: Rau quả, hoa cảnh, tôm, cá tra… cho thu nhập vài tỉ đồng/ha. Tuy nhiên, đa số nông dân không dễ tiếp cận mô hình sản xuất mặt hàng này do nguồn vốn đầu tư rất lớn, kỹ thuật cao, về thổ nhưỡng đất đai không phải nơi nào cũng trồng được.
Theo dự kiến của Bộ NN&PTNT, đến năm 2015, vùng ĐBSCL sẽ quy hoạch chuyển đổi 112.000 ha đất gieo trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, rau màu, vừng, lạc… Trong đó, Bộ cũng đang đề nghị hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đất chuyển đổi để hỗ trợ mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Ngoài ra còn hỗ trợ khâu làm đất 700.000 đồng/ha.
Tuy nhiên, cần lưu ý, việc chuyển đổi phải chọn loại cây trồng nào cho phù hợp và phải đảm bảo đầu ra. Đây là một khó khăn rất lớn và tạo một áp lực lớn cho các Bộ ngành hữu quan khi đầu ra cây lúa không đảm bảo, còn nếu trồng các loại cây trồng khác thay thế thì càng không biết được khâu tiêu thụ ra sao.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: Để việc chuyển đổi thực hiện có hiệu quả, có mấy điều kiện đặt ra. Đó là cần có hệ thống các giải pháp, chính sách đồng bộ.
“Chẳng hạn như chính sách về thị trường. Nếu định hướng lấy ngô, đậu tương thay thế hàng nhập khẩu cần phải có định hướng về giống, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt đối với cây đậu tương hiện nay, giống cần phải được tập trung giải quyết để đảm bảo khả năng cạnh tranh, thay thế hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần có những quy hoạch cho phù hợp, nhất là những vùng đất trồng lúa năng suất kém”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang là vấn đề thời sự ở của mỗi gia đình làm nông ở khu vực ĐBSCL. Một tương lai đặt ra khi với những giải pháp mạnh mẽ này, nông dân vùng Châu thổ kỳ vọng vào “một cuộc cách mạng” thật sự đối với ngành nông nghiệp. Bởi nếu thành công, người nông dân sẽ thoát khỏi nỗi ám ảnh của điệp khúc “được mùa rớt giá” và làm giàu từ nông nghiệp.