ThienNhien.Net – Nhân Ngày Khí tượng thế giới (23-3), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc đối thoại với đồng chí Nguyễn Thị Bình Minh, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về những nỗ lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp để nâng cao chất lượng thông tin khí tượng, thủy văn, phục vụ hiệu quả hơn cho công tác phòng, chống thiên tai.
Thưa đồng chí! Trong thời gian qua, những hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất nhiều hơn, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, điều này có mối liên hệ gì với biến đổi khí hậu?
Bà Nguyễn Thị Bình Minh: Một trong những hiện tượng thiên tai nguy hiểm và thường xuyên nhất đối với Việt Nam là bão. Trong năm 2013, chúng ta đã chứng kiến số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều kỷ lục trong 50 năm qua. Đó chỉ là một trong những biểu hiện về thời tiết đang có những thay đổi rõ rệt. Nguyên nhân bao trùm có thể nói là do biến đổi khí hậu. Thời gian tới, nhiều nhận định cho rằng, thời tiết sẽ phức tạp hơn, tính chất khắc nghiệt hơn, khó lường hơn.
Có thể khẳng định, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không nhìn thấy rõ biến đổi khí hậu bởi quá trình này tiến triển dần dần nhưng lại có tác động làm biến đổi thời tiết rất rõ rệt. Đất nước mình vốn đã phải gánh chịu nhiều thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ làm thiên tai càng nhiều hơn, khắc nghiệt hơn. Trước mắt, thiên tai có thể xóa sổ những thành quả kinh tế trong nhiều năm, lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực, mùa màng, cây trồng, vật nuôi, sức khỏe con người…
Nhận thức của người dân về các hiện tượng thời tiết, khí hậu cũng như tác động của biến đổi khí hậu đã có thay đổi như thế nào trong thời gian qua, thưa đồng chí?
Bà Nguyễn Thị Bình Minh: Đối với biến đổi khí hậu, có thể nói nhận thức của đại bộ phận người dân từ con số không đến nay đã có nhiều chuyển biến. Cơ quan chức năng đã cố gắng tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân hiểu về biến đổi khí hậu ở hai góc độ. Thứ nhất là có ứng xử phù hợp với môi trường để giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng các hoạt động nhằm giảm mức độ phát thải khí nhà kính. Thứ hai là thích ứng với biến đổi khí hậu, tức là làm giảm khả năng bị tổn thương và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.
Mặc dù vậy, đối với công tác tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cần chú trọng đến những biện pháp thiết thực hơn, cung cấp kiến thức đầy đủ hơn. Ví dụ như ở nhiều nước đã đưa nội dung về biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục phổ thông. Từ nâng cao nhận thức phải hướng đến những hành động cụ thể, đơn giản, thiết thực, trước hết là sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế rác thải, thay đổi văn hóa tiêu dùng…
Để nâng cao chất lượng thông tin khí tượng thủy văn, đặc biệt là thông tin dự báo, ngành cần chú trọng đến những giải pháp nào?
Bà Nguyễn Thị Bình Minh: Thông tin về khí tượng thủy văn được người dân rất quan tâm, nhưng thực tế đây là một ngành thiên về kỹ thuật, nên ít có điều kiện và chưa chú trọng tuyên truyền để người dân sử dụng thông tin hợp lý nhất, mang lại lợi ích nhiều nhất. Có thể bản thân thông tin thời tiết, khí hậu vốn khó hiểu, có khi mọi người đọc chưa hết, nghe chưa hết nên chưa hiểu và sử dụng đúng. Hơn nữa, cần phải hiểu rằng mức độ chính xác của thông tin dự báo khí tượng thủy văn phụ thuộc nhiều vào trình độ khoa học công nghệ và không phải là thông tin chính xác 100%. Trên thế giới nhiều nước dự báo theo xác suất, căn cứ vào xác suất đó để ứng xử với thông tin dự báo cho phù hợp và sử dụng hiệu quả nhất.
Dự báo là khâu rất quan trọng trong quá trình phòng, chống thiên tai. Để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin dự báo khí tượng thủy văn thì phải phát triển đồng bộ, có mạng lưới quan trắc tốt, hệ thống truyền tin tốt, có mô hình dự báo tốt, dự báo viên giỏi và cuối cùng là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về việc sử dụng thông tin sao cho hiệu quả. Thực tế là đầu tư mạng lưới trạm quan trắc rất tốn kém. Duy trì cho mạng lưới hoạt động còn khó khăn và tốn kém hơn. Hiện nay, ngành rất được quan tâm đầu tư kinh phí từ Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng cũng chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Ở một số nước, đặc biệt là ở các nước phát triển, hoạt động khí tượng thủy văn được xã hội hóa, thông tin khí tượng thủy văn được một phần thương mại hóa với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Muốn như vậy cần có cơ chế để thu hút đầu tư từ các đối tượng này.
Ngày Khí tượng thế giới năm nay đưa ra thông điệp là hãy thu hút giới trẻ quan tâm đến các vấn đề thời tiết, khí hậu. Theo đồng chí, cần làm gì để tạo môi trường, điều kiện cho giới trẻ quan tâm nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngành?
Bà Nguyễn Thị Bình Minh: Kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23-3 đã trở thành hoạt động thường niên ở nước ta và các quốc gia thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới từ nhiều năm nay. Năm 2014, chủ đề được đưa ra là “Thời tiết và khí hậu: Tuổi trẻ cùng hành động”. Chủ đề năm nay muốn khẳng định vai trò to lớn của giới trẻ trong tương lai đối với sự phát triển của ngành khí tượng và các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu ngày nay rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ trong tương lai, họ chính là người sẽ chứng kiến và chịu tác động của nó nếu họ không có hành động kịp thời. Giới trẻ chọn nghề khí tượng sẽ là cách để đóng góp trực tiếp nhất, hiệu quả nhất. Vì vậy, chủ đề năm nay cũng mang ý nghĩa khuyến khích giới trẻ hãy chọn nghề này, hãy quan tâm, cống hiến cho nghề này.
Để đào tạo nhân lực cho ngành khí tượng thủy văn cần những người giỏi toán, vật lý. Quá trình học tập khá vất vả trong khi đầu vào hiện nay khá thấp. Vì vậy, qua công tác tuyên truyền, chúng tôi mong muốn mọi người sử dụng thông tin khí tượng thủy văn nhiều hơn, hiệu quả hơn, từ đó tác động trở lại để ngành được đầu tư nhiều hơn, không chỉ kinh phí mà còn nguồn lực con người.
Xin cảm ơn đồng chí!