Thách thức tài nguyên nước gia tăng ở những thập kỷ tới

ThienNhien.Net – Theo khuyến cáo của Liên hợp quốc, nhu cầu về nước sạch và năng lượng sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới, tạo ra những sức ép và thách thức về tài nguyên ở khắp nơi trên thế giới.

Khuyến cáo trên được Liên hợp quốc nêu ra trong báo cáo “Phát triển nước sạch thế giới,” công bố nhân Ngày Nước sạch thế giới 22/3.

Có mặt trong sự kiện Ngày Nước sạch thế giới, do Liên hợp quốc tổ chức ngày 21/3, tại Tokyo của Nhật Bản, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova đã kêu gọi sự phối hợp hiệu quả hơn trong khai thác, sử dụng nước; nhất là giữa ngành nước và ngành năng lượng.

Hiện nay, tất cả các hình thức sản xuất năng lượng đều cần dùng tới nước, mà thông thường nhất là để làm mát. Sản xuất năng lượng từ gió và Mặt Trời là hình thức sử dụng ít nước nhất; trong khi, việc sản xuất năng lượng khí đốt, dầu từ đá phiến lại cần đến rất nhiều nước.

Ảnh minh họa: jpl.nasa.gov
Ảnh minh họa: jpl.nasa.gov

Báo cáo cũng chỉ ra rằng kể cả việc sản xuất năng lượng sinh học cũng cần đến rất nhiều nước để sử dụng cho hệ thống thủy lợi. Theo tính toán sơ bộ, ngành năng lượng hiện đang sử dụng khoảng 15% lượng nước từ các nguồn tự nhiên như sông, hồ và mạch ngầm.

Theo báo báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu về nước của thế giới sẽ tăng thêm 40% và nhu cầu năng lượng sẽ tăng thêm 50% so với hiện tại. Nguồn tài nguyên nước sẽ tiếp tục phải chịu sức ép của các yếu tố như tăng dân số, ô nhiễm, nắng nóng và hạn hán do sự nóng lên toàn cầu. Hiện nay, trên toàn thế giới, có khoảng 770 triệu người không tiếp cận được với nước sạch; con số này sẽ tăng lên tại các khu vực như Bắc Mỹ, Trung Đông và Tây Nam Á.

Châu Á nói chung, trong đó có khu vực đồng bằng sông Mekong, sẽ trở thành điểm nóng tranh chấp tài nguyên nước sạch, khi nguồn nước đi qua biên giới nhiều nước.

Cũng nhân dịp này, đại diện Liên hợp quốc đã công bố trao giải thưởng xuất sắc của cuộc thi “Nước cho cuộc sống” năm 2014 cho Ấn Độ và Singapore vì những nỗ lực bền vững trong việc quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Từ năm 2003-2012, báo cáo “Phát triển nước sạch thế giới” được thực hiện 3 năm một lần với sự phối hợp của 31 thành viên Liên hợp quốc và 36 đối tác quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu thông tin cơ bản của cộng đồng quốc tế, từ năm nay, báo cáo này sẽ trở thành ấn phẩm hàng năm.