ThienNhien.Net – Cây thuốc lá, một trong những loại cây được coi là chủ lực ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai đang vào mùa thu hoạch. Cả ngàn lò sấy thuốc lá hoạt động hết công suất. Phục vụ cho nhu cầu này, từng đoàn xe nối đuôi nhau chở củi từ bìa rừng về tập kết ở các lò, trong đó có những cây gỗ đường kính tới 30 – 40cm. Việc dùng củi gỗ làm chất đốt sấy thuốc lá, đang lấy đi những cánh rừng xanh ở đây…
Mang rừng vào… lò sấy
Những ngày tháng 3 này, vùng Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Trên những cánh đồng ven sông Ba, bà con nông dân các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh Gia Lai đang tất bật thu hoạch cây thuốc lá. Trên lộ, từng đống lá thuốc tươi xanh nằm xếp lớp chờ vận chuyển về. Từ ngã ba Mỹ Thạch, xuôi theo quốc lộ 25 vào thị xã Ayun Pa, đi thẳng xuống thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa), các loại xe bò, xe tải, xe công nông chất đầy củi, gỗ, vô tư ngược xuôi trên đường. Ghé vào bất kỳ lò sấy thuốc lá nào ở khu vực các xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa), xã Ia Trôk, Ia Broăi (huyện Ia Pa), Chư Gu, Chư Rcăm (huyện Krông Pa)… đều thấy tích trữ một đống gỗ lẫn củi cao ngất chờ… đưa vào lò đốt. Đáng nói, có những khúc cây rừng đường kính lên đến 30 – 40cm (quy định củi đường kính dưới 25cm – PV), được cắt thành khúc dài chừng 1,2 – 1,5m, với đủ chủng loại gỗ cũng được xếp chờ đốt.
Tại thôn Bình Minh, xã Phú Cần, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), nơi tập trung nhiều lò sấy nhất huyện, thấy nhà nhà, người người đều bận rộn. Trong các khoảnh sân rộng, dưới chân các ngôi nhà sàn và những tán cây… có nhiều phụ nữ, trẻ em, người già… ngồi xâu lá thuốc. Sau những ngôi nhà, các lò sấy thuốc lá hoạt động hết công suất, từng cột khói bốc lên trắng xóa. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có lò sấy, nhà ít 1 – 2 lò, nhà nhiều lên tới 5 – 6 lò. Cả thôn 53 hộ thì có đến 47 hộ làm nghề sấy thuốc lá với hơn 100 lò, tất cả công đoạn sấy thuốc được tiến hành trong 7 ngày 6 đêm liên tục. Để có củi cung cấp cho các lò sấy này hoạt động, ngoài số củi điều ít ỏi lấy từ vườn điều, số còn lại được người dân lén lút chặt từ rừng, mặc dù họ biết không được phép. Anh Đinh Văn Tân, người trồng thuốc lá ở đây cho hay: “Không phải bây giờ mà từ trước tết, chúng tôi đã bắt đầu tích trữ củi rồi, thời điểm đó chưa vào chính vụ nên nguồn củi dồi dào và giá cả cũng “mềm”. Để thuốc lá có sắc vàng, đẹp, ngọn lửa phải đều. Do đó, củi rừng là sự lựa chọn số 1, vì đốt rất đượm lửa và tiết kiệm được công sấy”. Cũng theo anh Tân, vụ này nhà anh thu hoạch khoảng 6 tấn lá tươi. Do lò sấy nhà anh thuộc loại nhỏ nên mỗi lần sấy chỉ được 5 tạ lá. Mỗi lần sấy tốn khoảng 12 ster củi (1 ster = 0,7m3 gỗ tròn). Để sấy khô hết số thuốc lá vừa thu hoạch, tính sơ sơ phải tiêu tốn khoảng 84 ster củi.
Cũng vì những lý do trên, nhiều cánh rừng trên địa bàn các huyện Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayun Pa bị chặt phá tràn lan. Theo thời giá hiện tại, mỗi ster củi được mua bán với giá dao động từ 420.000 – 450.000 đồng. Đó là giá sỉ; với giá thu mua lẻ, mỗi khúc gỗ đường kính 20 – 25cm, dài 1,2 – 1,5m, thì phải trên dưới 50.000 đồng, nếu cây có đường kính lớn hơn, tất nhiên giá cũng sẽ cao hơn. Với mức giá này, một cây rừng “vừa vừa” sau khi bị “xẻ thịt” cũng bán được vài trăm ngàn đồng. Điều này lý giải tại sao những người làm “nghề” khai thác gỗ, củi xuất hiện ngày càng nhiều tại vùng “chảo lửa” này.
Thuốc lá mọc lên, rừng ngã xuống
Vài năm trở lại đây, cây thuốc lá được giá nên người dân các huyện Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa và một số địa phương khác ở vùng Đông Nam Gia Lai đua nhau phá bỏ cây điều để trồng thuốc lá. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích cây thuốc lá và lò sấy thuốc đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 lò sấy thuốc, trong đó, nhiều nhất là huyện Krông Pa với hơn 700 lò, huyện Ia Pa gần 200 lò và thị xã Ayun Pa gần 100 lò… Niên vụ sản xuất 2013 – 2014, khu vực Đông Nam Gia Lai trồng được gần 4.000ha thuốc lá, trong đó tập trung ở huyện Krông Pa gần 2.600ha, huyện Ia Pa gần 1.000ha và thị xã Ayun Pa 350ha. Năng suất của vùng ước đạt 2,7 tấn thuốc lá khô/ha, ước tổng sản lượng khoảng 10.500 tấn thuốc lá sấy khô. Đem con số này nhân với lượng củi dùng để sấy, trung bình như lò sấy của gia đình anh Đinh Văn Tân thì lượng củi đổ vào các lò sấy ở mức “khổng lồ”, phải lên đến hàng vạn ster gỗ, củi mỗi năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm diện tích cây thuốc lá ở 2 huyện Krông Pa và Ia Pa tăng lên hàng trăm hécta. Kéo theo đó, nhu cầu chất đốt cũng tăng lên, trong khi lượng củi điều có hạn. Hệ lụy là khoảng trống ở các khu rừng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, minh chứng rõ nhất là những khoảnh rừng bị “cạo trọc”, nham nhở “da báo” ngay dưới chân đèo Tô Na và dọc quốc lộ 25 vào thị trấn Phú Túc. Đem thắc mắc “có hay không việc người dân phá rừng làm củi đốt”, chúng tôi cố gắng liên lạc với ông Bùi Đức Việt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, nhưng lần nào ông cũng cáo… bận. Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa, giải thích: “Nguồn đun chủ yếu ở các lò sấy thuốc lá là trấu, vì trên địa bàn thị xã Ayun Pa có nhiều nhà máy xay xát gạo, đủ cung cấp cho gần 100 lò thuốc ở các xã Ia Rtô, Ia Sao và phường Sông Bờ. Còn nguồn củi các lò đang sử dụng chủ yếu là củi điều. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người dân, nếu ai sử dụng củi rừng tự nhiên sẽ bị lập biên bản ngay”.
Tuy nhiên, nhiều hộ trồng thuốc lá cho biết, đến thời điểm này, củi vẫn là nguồn nguyên liệu chính dùng để sấy thuốc lá, bởi việc đốt lò bằng trấu tốn nhiều công sức. Hơn nữa, nếu dùng trấu thì cũng phải có củi làm nguồn dẫn, trong khi hiện tại người dân cũng chưa có phương pháp sấy thuốc lá nào khác, ngoài việc dùng củi dẫn lửa hỗ trợ cho đốt bằng trấu. Vì vậy, sức ép khổng lồ của nhu cầu nhiên liệu sấy thuốc lại tiếp tục đổ xuống những cánh rừng.
Vẫn biết cây thuốc lá mang lại lợi ích kinh tế cao, giúp người dân vùng nông thôn tỉnh Gia Lai cải thiện cuộc sống, thế nhưng việc dùng củi gỗ làm chất đốt sấy thuốc lá, đang làm mất đi những cánh rừng ở tỉnh miền núi này.