ThienNhien.Net – Doanh nghiệp tư nhân khai thác vật liệu Cựu chiến binh Thọ Đơn đã khai thác cát ven biển ở làng một cách ào ạt, sai luật, thậm chí xúc luôn cả… mồ mả.
Xúc luôn cả mồ mả
Người dân thôn Thọ Đơn (xã Quảng Thọ – Quảng Trạch – Quảng Bình) quá bức xúc trước việc một DN khai thác cát bừa bãi nên đã đổ bê tông, dựng cột barie chắn đường không cho xe ô tô vào lấy cát.
Ông Nguyễn Quang Khâm (ở Thọ Đơn) cho hay: “Làm vậy là sai nhưng không còn cách nào khác. Đơn thư chúng tôi gửi nhiều nhưng có cái nào là bị dập cái đó ngay ở cơ sở. Nhiều năm qua, DN đã khai thác các đồi cát ven biển ở làng một cách ào ạt, sai luật, xâm phạm rừng phòng hộ ven biển và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, cuộc sống của người dân”.
Bao che hay buông lỏng quản lý?
Theo chính quyền xã Quảng Thọ thì từ năm 1991, chi hội CCB thôn Thọ Đơn thành lập tổ bảo vệ rừng phi lao phòng hộ ven biển và được chính quyền đồng ý cho quản lý, bán cát để lấy kinh phí cho việc bảo vệ rừng và gây quỹ hoạt động với phương thức khai thác thủ công.
Đến năm 2011, từ cơ sở này, DN Tư nhân khai thác vật liệu Cựu chiến binh Thọ Đơn được thành lập và việc khai thác cát tổ chức quy mô hơn, sử dụng phương tiện máy móc và được cấp mỏ khai thác. Khu vực mỏ mà DN này được cấp nằm ở vùng đồi cát phía đông làng Thọ Đơn, trên đó có cả rừng phi lao phòng hộ, khu vực mồ mả của bà con trong thôn.
Ông Nguyễn Quang Khâm tỏ ra bức xúc: “Bắt đầu từ năm ngoái, DN này mở rộng ra nhiều điểm khai thác cát. Họ đã đưa hai chiếc máy xúc loại lớn vào múc ngoạm mới đáp ứng được số lượng hàng trăm lượt xe vào lấy cát mỗi ngày. Ngoài việc mất tài nguyên còn gây ra cảnh ô nhiễm môi trường, phá hại cây phi lao chắn cát”. Tại khu khai thác, khu vực được cấp cho DN này đã được khai thác gần hết.
Vì vậy, DN đã mở thêm hai điểm khai thác ở phía đông nam và phía bắc cách điểm mỏ được cấp phép khoảng vài trăm mét. Với sức múc ngoạm của hai máy loại lớn làm hết công suất nên ở hai điểm bị khai thác trái phép đã trở thành vực sâu hun hút với diện tích lên hàng ngàn m2. “Điều nguy hại nữa là những vực sâu này nằm rất gần bờ biển. Vì vậy tác dụng chắn sóng trước biến đổi của thiên tai của dãy núi cát này sẽ không còn nữa và sẽ rất nguy hiểm cho đời sống của bà con” – anh Khâm lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Lượng – Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ tỏ ra bình thản: “Không rõ vì lý do gì mà người dân không báo cáo lên cho xã để xử lý mà tự ý làm cổng chắn gây ách tắc như vậy”. Ông Lượng cũng cho biết thêm là vụ việc đó, xã đã biết tình trạng DN khai thác mỏ trái phép nên đã báo cho phòng TN-MT huyện để báo cho Sở TN-MT xử phạt.
Trái lại, ông Phạm Tiến Cảm – Chánh thanh tra Sở TN-MT cho biết: “Vào tháng 10/2013, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện DN này vi phạm nên chúng tôi đã lập hồ sơ xử lý, và đã xử phạt gần 7 triệu đồng. Mỏ mà DN được cấp phép có trữ lượng khoảng 60 ngàn m3 khai thác đến hết năm 2015 nhưng tại thời điểm kiểm tra đã khai thác hết và lấn ra ngoài phạm vi cho phép”.
Sau khi bị phạt, DN này lại “tăng tốc” khai thác với trên trăm chuyến xe mỗi ngày. Chính vì vậy, khu mỏ khai thác trái phép đã bị xúc mất hàng chục ngàn m3 cát. Trước câu hỏi tại sao điểm khai thác cách trụ sở UBND xã không xa và hiện tượng hàng trăm lượt xe vào ra lấy cát tấp nập mỗi ngày mà chính quyền xã không biết để can thiệp, ông Lượng mới hạ giọng thừa nhận: “Lỗi do chúng tôi đã không kiểm tra”.
Trước thông tin ông Chủ tịch xã bao che cho sai phạm của DN này, ông Lượng cho biết: “Ông Lê Xuân Kê – Giám đốc DN có nói với tôi là cho vợ tôi nộp tiền cổ phần vào việc khai thác cát để ăn chia lợi nhuận nhưng tôi không đồng ý”. Theo nhiều người dân cho hay, DN này đã thu về hàng tỷ đồng từ việc khai thác cát bất hợp pháp.
Mất mồ mả người thân
Trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng của DN, Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra sự việc. Trao đổi với NNVN, ông Lê Minh Ngân – Giám đốc Sở TN-MT nhấn mạnh: “Trước mắt, chúng tôi tạm đình chỉ hoạt động khai thác cát của DN này. Sau đó, Sở TN-MT sẽ thực hiện kiểm tra cụ thể và làm rõ những sai phạm của DN để xử lý nghiêm minh. Nếu thấy cần thiết thì chúng tôi tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thu hồi giấy phép của DN. Hiện bà con đã tự giác tháo dỡ rào chắn, cột bê tông”.
Nhiều người dân trong thôn Thọ Đơn rất căm phẫn trước việc DN khai thác cát đã làm mất mồ mả người thân của họ. Theo bà con thì trên vùng cát này chưa có quy hoạch làm nghĩa trang nông thôn nên ai chôn cất ở đâu cũng được. Những phần mộ được xây cất thì không thể mất được, nhưng mất ở những phần mộ đắp nấm bằng cát.
Đưa chúng tôi ra vùng cát nơi DN khai thác cát, ông Đoàn Văn Tuy, 63 tuổi, ở thôn Thọ Đơn đứng bên vực (do bị múc ngoạm hết cát) chỉ tay về nơi đường dẫn vào vực: “Trước đây vùng đó là đồi cát. Tôi có hai con gái mất từ nhỏ chôn ở đó nhưng bây giờ thì biết tìm đâu ra nữa. Chắc là lẫn trong cát và người ta đã múc chở đi xa mất rồi”. Theo ông Tuy, trong thôn cũng có nhiều người cho là đã mất mộ người thân như bà Dẫn, ông Lương, ông Châu…
Đi qua một vùng mồ mả được quy tập, anh Khâm cho biết đó là khu mộ của chi tộc anh. “Quá lo trước việc bị mất mộ nên gia đình đã bỏ ra mấy chục triệu đồng để đưa về đây, tránh xa khu vực khai thác cát”, anh Khâm nói.
Lo sợ trước việc DN lấy cát làm mất mồ mả, nhiều người trong thôn đã mang gạch, xi măng ra xây cột mốc để báo phần đất mồ mả. Ông Trần Văn Châu (64 tuổi) ngồi xổm bên một cột mốc bằng gạch trên trảng cát sát với mép vực sâu và dùng hai tay cố đẩy thêm cát vào như tin tưởng sẽ làm vững thêm cái cột mốc bên bờ vực.
Vừa làm, ông vừa rơm rớm nước mắt: “Máy múc cát thì cứ ăn dần vào, độ cao từ đỉnh đồi cát đến nơi máy múc là trên chục mét. Cát cứ sạt xuống chừng nào là họ cứ múc từng đó. Vậy nên mộ nằm trên cát bị lở đất trôi xuống lẫn với cát và họ múc đi là phải.
Ngay cả những hàng trụ mốc này nếu chỉ thêm vài ngày họ múc cát nữa thì cũng trôi theo luôn chứ đừng nói chi đến mồ mả chôn cất đã lâu”.