ThienNhien.Net – Ngày 19/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Tổ chức bảo vệ động vật thế giới (WSPA) tổ chức hội thảo “Vai trò phúc lợi động vật trong phát triển bền vững ở Việt Nam”.
“Phúc lợi động vật” (animal welfare), hiểu một cách đơn giản, là việc đối sự đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt về thể chất và tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có cho dù con vật đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất hay là thú cưng.
Để đánh giá về phúc lợi động vật, Hội đồng phúc lợi động vật trong chăn nuôi đưa ra tiêu chuẩn “”5 không”: Không bị đói khát; Không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần: Không bị đau đớn, thương tật, bệnh tật; Tự do thể hiện các hành vi bản năng; Không bị sợ hãi và lo lắng.
Mặc dù khá phổ biến trên thế giới, song, tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn còn là một khái niệm hoàn toàn mới và không phải ai cũng hiểu được. Tuy vậy, theo TS Hà Cẩm Tâm, Giám đốc Chương trình của Tổ chức bảo vệ động vật thế giới (WSPA) tại Việt Nam phúc lợi động vật là cực kỳ cần thiết cho sự phát triển bền vững, nhất là tại một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam.
“Cải thiện các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật sẽ không chỉ tốt cho động vật mà còn tác động tích cực đến an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và đa dạng sinh học của đất nước chúng ta”, TS Hà Cẩm Tâm, khẳng định.
Trong khi đó, bà Gabrielle Shaw, Giám đốc Quan hệ công chúng, Nghiên cứu và đào tạo của WSPA khẳng định, những thách thức nan giải nhất trên toàn cầu – như an toàn và an ninh lương thực, bệnh tật, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu – chỉ có thể được giải quyết khi đối xử nhân đạo của con người với động vật là một phần thiết yếu của giải pháp cho những vấn đề nói trên.
Động vật, con người và môi trường thiên nhiên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do vậy, đảm bảo phúc lợi động vật có nghĩa là chúng ta chăm lo cho môi trường sống, tai nguyên đa dạng sinh học và xã hội loài người.
Tại Việt Nam, vật nuôi là nguồn thực phẩm, sinh kế, công cụ sản xuất cho hàng triệu người dân Việt Nam. Họ và những vật nuôi sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những sự kiện thời tiết cực đoan thường xuyên hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu. Đảm bảo phúc lợi trong chăn nuôi sẽ giúp người dân Việt Nam tăng khả năng ứng phó và phục hồi sau thiên tai tốt hơn.
Chính vì vậy, WSPA mong muốn Việt Nam sẽ lồng ghép phúc lợi động vật vào các mục tiêu phát triển bền vững. “Khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đưa vấn đề phúc lợi động vật vào các chương trình nghị sự như là một trong những vấn đề chính là một điều hết sức quan trọng”, bà Tâm khẳng định.
Nhiều cách dịch khái niệm “phúc lợi động vật”
Do là khái niệm mới được du nhập vào Việt Nam nên khái niệm “animal welfare” đang tồn tại nhiều cách hiểu và cách dịch khác nhau.
Lâu nay, trong một số văn bản của Chương trình WSPA Việt Nam dịch khái niệm “animal welfare” là phúc lợi động vật. Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo sáng 19/3, PGS. TS. Nguyễn Xuân Trạch, Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, dịch khái niệm animal welfare là phúc lợi động vật thì không chuẩn xác lắm vì khi nói tới phúc lợi người ta thường nói tới một quyền lợi trong tổ chức tập thể nào đó. Vì vậy, ông Trạch đề nghị giữ nguyên khái niệm gốc bằng tiếng Anh là “animal welfare” với lý do “việc du nhập các khái niệm mới là chuyện bình thường”.
Tuy nhiên, đại diện Cục thú y thì cho rằng, khái niệm “animal welfare” nên được dịch là quyền lợi động vật. Vị này cũng cho biết, trong Dự thảo Luật thú ý cũng đã đưa khái niệm “quyền lợi động vật” vào và đây được coi như khái niệm sử dụng chính thức trong văn bản pháp luật một khi luật được ban hành.