Lo “bom nước” thủy điện, Đà Nẵng bàn cách chống ngập

ThienNhien.Net – Đà Nẵng đang nỗ lực tìm giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, đối phó với nguy cơ ngập lụt do những quả ‘bom nước’ thủy điện gây ra.

Sáng 18/3, UBND TP Đà Nẵng phối hợp cùng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Quỹ The Rockefeller (Hoa Kỳ) và Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Môi trường và Xã hội Hoa Kỳ (ISET) tổ chức Hội thảo Giải pháp quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng thích ứng với ngập lụt nhằm tìm ra giải pháp phát triển cho Đà Nẵng trong tương lai.

Thủy điện – mối họa khó lường

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Đà Nẵng, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương và có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đà Nẵng là một đô thị đang đối mặt với thách thức lớn đó là tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Đặc biệt do vừa là thành phố ven biển, vừa nằm ở hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn khiến Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của ngập lụt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Đà Nẵng, một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề do việc đầu tư quá nhiều thủy điện tại khu vực đầu nguồn các con sông (Ảnh: VTV News)
Đà Nẵng, một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề do việc đầu tư quá nhiều thủy điện tại khu vực đầu nguồn các con sông (Ảnh: VTV News)

“Việc đầu tư nhiều nhà máy thủy điện tại khu vực đầu nguồn sẽ là mối hiểm họa khó lường cho vấn đề ngập lũ ở vùng hạ lưu. Trong đó, Đà Nẵng là một trong những địa phương sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Không chỉ vậy, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng cường độ các trận mưa vừa và mưa lớn ở Đà Nẵng và các khu vực xung quanh khiến công tác dự báo và phòng chống lũ lụt sẽ gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp. Không chỉ vậy, với công tác quy hoạch đô thị, thiết kế cơ sở hạ tầng theo kinh nghiệm và số liệu trong quá khứ sẽ khiến đô thị đứng trước các hiểm họa tương lai”, ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết.

Chính vì vậy, Đà Nẵng cần định hướng phát triển không gian theo các khu vực nhằm hạn chế ảnh hưởng và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do ngập lụt gây ra. “Đối với khu vực không chịu ảnh hưởng của lũ lụt sẽ được ưu tiên phát triển các khu đô thị mới; các ngành công nghiệp, dịch vụ quan trọng như công nghiệp công nghệ cao, kho tàng, du lịch nghỉ dưỡng.

“Việc đầu tư nhiều nhà máy thủy điện tại khu vực đầu nguồn sẽ là mối hiểm họa khó lường cho vấn đề ngập lũ ở vùng hạ lưu của Đà Nẵng” – Ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng

Đối với khu vực bị ảnh hưởng bởi ngập lụt (hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn, hạ lưu sông Cu Đê), cần tập trung ưu tiên cho công tác lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất, quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, trong đó việc xác định cao độ nền xây dựng và giải pháp thoát lũ là quan trọng nhất”, ông Hùng đề nghị.

Đồng quan điểm với Sở Xây dưng, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đà Nẵng, thành phố này đang đối mặt với tình trạng lũ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và mức độ ngày càng lớn hơn.

“Do đô thị nằm ở vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, một trong 9 hệ thống sông lớn nhất Việt Nam với lưu vực lớn, sông ngắn, độ dốc lớn nên hàng năm, Đà Nẵng phải hứng chịu bình quân từ 2-3 đợt lũ.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xảy ra nhiều hơn, cường độ lớn hơn khiến lượng mưa vào mùa mưa, cường độ mưa,… ngày càng tăng mạnh”, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Đà Nẵng nói.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, từ năm 1976-1997, Đà Nẵng chỉ xuất hiện có 2 đợt lũ trên BĐ3 ở mức vừa. Nhưng từ năm 1998 đến nay, chỉ trong 17 năm đã xuất hiện liên tiếp 6 đợt lũ đặc biệt lớn trên BĐ3.

Trong đó, lũ năm 1999 xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1964 tại Cẩm Lệ và đặc biệt trên sông Túy Loan có xuất hiện lũ quét lịch sử. “Điều này cho thấy Đà Nẵng đang đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của lũ lớn cũng như tần suất bão ngày một nhiều hơn. Không chỉ vậy, Đà Nẵng đang phát triển mạnh, đặc biệt là hạ tầng, đường sá, khu đô thị đã làm thu hẹp của diện tích thoát lũ, ngăn cản quá trình thoát lũ khiến mực nước sẽ tăng lên và kéo dài thời gian ngập hơn”, ông Huỳnh Vạn Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Đà Nẵng đang đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của lũ lớn cũng như tần suất bão ngày một nhiều hơn (Ảnh: VTV News)
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Đà Nẵng đang đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của lũ lớn cũng như tần suất bão ngày một nhiều hơn (Ảnh: VTV News)

Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng nào?

“Để đảm bảo sự phát triển bền vững, cũng như tránh việc tăng và kéo dài ngập lụt cho các địa phương ở thượng du, Đà Nẵng cần quy hoạch và quản lý hành lang thoát lũ theo hướng các đô thị phải cách xa bờ sông, giữ trạng thái tự nhiên của các cồn, bãi sông, tăng chiều dài của các cầu và thiết kế bổ sung hàng loạt cầu cạn trên các tuyến đường chắn ngang lũ”, ông Thắng khuyến nghị.

 

Việc phát triển đô thị, hạ tầng giao thông quá nhanh khiến mực nước lũ dâng cao hơn và thoát lũ lâu hơn (Ảnh: VTV News)
Việc phát triển đô thị, hạ tầng giao thông quá nhanh khiến mực nước lũ dâng cao hơn và thoát lũ lâu hơn (Ảnh: VTV News)

Trước những thách thức đặt ra đối với đô thị Đà Nẵng, ông Võ Văn Lễ, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng cho rằng: “Đà Nẵng cần định hướng quy hoạch chiều cao và thoát nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với cao độ nền tối thiểu phải đạt P=3%, đối với một số khu đô thị cũ cần nghiên cứu nâng cao đỉnh kè sông, kè biển nhằm hạn chế thiệt hại do nước biển dâng.

Riêng đối với mạng lưới thoát nước, cần cải tạo các cửa xả, đầu tư xây dựng bổ sung những trạm bơm chống ngập đối với khu đô thị cũ. Riêng đối với các khu đô thị mới cần bố trí hệ thống thoát nước đảm bảo cao trình đáy cửa xả trên mực nước thường xuyên của nguồn tiếp nhận chính và cao trình trần cống nằm trên mực nước lớn nhất”.

“Bên cạnh đó, cần có các giải pháp ứng phó với thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tác động của xói lở như điều tra hiện trạng, xây dựng giải pháp kĩ thuật phòng chống xói lở, đầu tư kiên cố hoá một số đoạn đê xung yếu, quy hoạch các điểm dân cư, các dự án kinh tế – xã hội vùng có nguy cơ xói lở, tổ chức và huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ, duy tu đê điều hàng năm; đối với khu vực không có đê, cần tổ chức di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Thực trạng Đà Nẵng thường xuyên xảy ra ngập úng khi có mưa lớn do cao trình hệ thống thoát nước chưa phù hợp cần điều chỉnh (Ảnh: VTV News)
Thực trạng Đà Nẵng thường xuyên xảy ra ngập úng khi có mưa lớn do cao trình hệ thống thoát nước chưa phù hợp cần điều chỉnh (Ảnh: VTV News)

Đặc biệt, Đà Nẵng phải tập trung nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước… đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Không chỉ vậy, Đà Nẵng cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành lân cận như Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam để có phương án bảo vệ, nâng cao độ che phủ của rừng đầu nguồn, chấm dứt tình trạng phá rừng để hạn chế tác động của bão, lũ và nước dâng, đẩy mạnh việc trồng cây xanh đô thị”, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng nói.