ThienNhien.Net – Nghiên cứu mới của trường Đại học Oxford (Anh) cho biết, ¾ số dự án đập lớn mà nhóm nghiên cứu khảo sát đều rơi vào tình trạng chi tiêu vượt mức dự tính với tỷ lệ thực chi cao hơn 96% so với con số mà chủ dự án dự tính.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, chưa kể đến các chi phí bù đắp tổn thất về môi trường và xã hội, chỉ riêng khoản thực chi cho việc xây dựng các công trình đập lớn đã quá cao để đổi lấy lợi ích mà đập mang lại.
Báo cáo phân tích tất cả 245 dự án đập lớn được xây dựng ở 65 quốc gia từ năm 1934 – 2007, khoảng thời gian lưu giữ được đầy đủ tư liệu nhất về các công trình đập.
Tư liệu được thu thập từ nguồn tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ủy ban Đập Thế giới (WCD), Công binh Lục quân Hoa Kỳ (USACE), Cơ quan Thung lũng Tennessee (TVA) và Cục Khai hoang Hoa Kỳ (USBR).
Theo kết luận của nghiên cứu, tình trạng chi quá dự tính ở các công trình đập lớn là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do các đặc trưng riêng của địa điểm xây đập như địa chất bất lợi, giá cả nguyên vật liệu dao động và chênh lệch tỷ giá hối đoái ở các quốc gia đang phát triển.
Nguyên nhân chủ quan là do các nhà phát triển đập đã quá lạc quan về tốc độ hoàn thành dự án và định giá sai chi phí triển khai để dự án được thông qua.
Nhóm nghiên cứu thừa nhận, các đập lớn ở Bắc Mỹ không xảy ra những vấn đề mà các chủ đầu tư cùng các nhà xây đập ở các nước đang phát triển gặp phải. Bởi lẽ, vật liệu xây đập Bắc Mỹ đều là hàng nội địa, không bị ảnh hưởng bởi sự biến động tỷ giá hối đoái hay chuỗi cung ứng toàn cầu. Song, các con đập này vẫn không tránh khỏi tình trạng vượt mức chi dự kiến, thông thường là do tiến độ dự án bị chậm trễ.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, mức chi vượt quá dự kiến ở các dự án đập lớn cao hơn hầu hết các dự án lớn ở các lĩnh vực khác. Để chứng minh, nhóm đưa ra một vài con số tiêu biểu như: tỷ lệ vượt chi dự kiến của các dự án điện địa nhiệt là 6%, các công trình đường sá 20%, các công trình cầu, hầm 34% và các công trình đường sắt 45%. Duy chỉ có các nhà máy điện hạt nhân xảy ra tình trạng chi tiêu quá mức dự kiến lên đến 207%.
Kết quả nghiên cứu trên đương nhiên “không nhằm mục đích tẩy chay thủy điện mà chỉ nhằm phản đối những sai lầm trong việc xây dựng các công trình đập lớn” – ông Bent Flyvbjerg, giáo sư trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford nhấn mạnh.
Tuy nhất trí các phương pháp đánh giá mà nghiên cứu sử dụng là đáng tin cậy, nhưng ông Keith Ferguson, chủ tịch Hiệp hội Đập Hoa Kỳ cho rằng phạm vi nghiên cứu còn khá hẹp. Ông lý giải: “Nghiên cứu chỉ tập trung làm rõ những thách thức quá khứ của ngành công nghiệp đập trong vấn đề ước tính chi phí xây dựng. Trong khi thực tế, những thách thức đó đã và đang được Mỹ và nhiều quốc gia nỗ lực giải quyết thông qua một số giải pháp như đưa rủi ro và tính không chắc chắn vào việc mô hình hóa chi phí để ước tính chính xác hơn chi phí xây dựng đập”.
Đứng trên quan điểm lợi ích của các cộng đồng nghèo thiếu điện, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đề xuất nên triển khai các dự án năng lượng tái tạo và xây dựng các lưới điện nhỏ đủ đáp ứng nhu cầu về điện cho một cộng đồng nhỏ.
Đồng tình với hướng đi này, ông Peter Bosshard, giám đốc chính sách thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) khẳng định: “Việc mở rộng lưới điện quốc gia để đưa điện tới những vùng nông thôn nghèo ở châu Phi và Nam Á không hề hiệu quả về chi phí. Xét theo quan điểm đầu tư không vụ lợi thì có lẽ, tương lai của phong điện, quang điện và thủy điện nhỏ sẽ hứa hẹn hơn nhiều”.