ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh, Australia và Mỹ cho thấy biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến mùa màng ở mức độ nghiêm trọng hơn so với tính toán trước đây, khiến nguy cơ mất an ninh lương thực hiện hữu rõ hơn.
Dựa trên quá trình phân tích hơn 1.700 mô phỏng về việc nhiệt độ tăng thêm 2 độ C vào năm 2050, các nhà khoa học nhận thấy sản lượng lúa mì, ngô và lúa gạo nói chung sẽ giảm khoảng 2% mỗi thập kỷ.
Trong nửa cuối thế kỷ 21 này, nếu nhiệt độ tăng thêm 5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì các khu vực nhiệt đới thậm chí sẽ chịu tác động nặng nề hơn các khu vực ôn đới, với mức giảm sản lượng lúa mì và ngô có thể lên tới 40%.
Cho đến nay, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã nhất trí với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ không vượt quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lại đưa ra cảnh báo nhiệt độ hành tinh có thể tăng thêm từ 4 đến 5 độ C nếu không cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Theo tiến sỹ Mark Howden, đồng tác giả nghiên cứu nói trên, việc thay đổi để thích nghi với xu hướng thời tiết cực đoan, như thay đổi thời gian gieo trồng và tưới tiêu, có thể góp phần làm tăng sản lượng lương thực toàn cầu từ 10 đến 15%, đủ để cung cấp lương thực cho 500 triệu đến 1 tỷ người trên thế giới.
Tuy vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, rất khó đạt được mục tiêu tăng tới 14% tổng sản lượng lương thực toàn cầu sau mỗi thập kỷ để có thể đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng lớn của một thế giới với dân số ngày càng đông.