ThienNhien.Net – Trong mấy năm gần đây, do công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh có nhiều bất cập dẫn đến hàng trăm ha rừng với hàng ngàn ha đất lâm nghiệp bị người dân ngang nhiên chiếm dụng, chặt phá, xẻ đốt.
Đua nhau cướp đất, phá rừng!
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng mấy năm lại nay, Hà Tĩnh có đến hàng ngàn ha đất lâm nghiệp với hàng trăm ha rừng bị một số người dân tự ý xâm hại, phát xẻ chiếm dụng trái phép. Trong đó, “nóng”nhất là địa bàn huyện Hương Khê. Ở huyện này, có xã, tổng diện tích đất rừng bị dân chiếm dụng lên đến gần 500 ha!
Các vụ tiêu biểu kể đến như vụ phá rừng trái phép ở tiểu khu 200 thuộc xã Hương Giang. Hàng chục ha đất của Cty cao su bị dân xâm chiếm, thế nhưng không hiểu vì lý do gì chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trên địa bàn không nghiêm túc giải quyết nên người dân được đà tiếp tục lấn chiếm, ngang nhiên thách thức pháp luật.
Nghiêm trọng hơn, trong số diện tích chiếm đoạt có đến khoảng 15 ha rừng phòng hộ xung yếu. Thậm chí các hộ nói trên còn xây dựng lán trại, mặc nhiên thách thức cơ quan chức năng và chủ rừng. Tương tự, đất rừng phòng hộ ở các xã Hương Trạch, Phúc Trạch (thuộc lâm phần rừng do BQL rừng phòng hộ Ngàn Sâu phụ trách) người dân cũng tự ý xẻ phát, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Sự việc “nóng” gần 2 năm nay ở Hương Khê là tại tiểu khu 192, thuộc địa bàn xã Hòa Hải. Tại đây, có 55 hộ dân ngang nhiên ngăn cản không cho Cty cao su trồng cây và đã kéo nhau ồ ạt chiếm đất xẻ phát gần 500 ha đất có rừng, trong đó gần 200 ha thuộc đất quy hoạch phát triển trồng cao su đã được UBND tỉnh, các ngành chức năng, huyện Hương Khê, xã Hòa Hải hoàn tất mọi thủ tục pháp lý.
Thế nhưng, sau khi Cty mở đường vào tới hiện trường để khai hoang thì bị dân thuộc xóm 10 và xóm 11 xã Hòa Hải ùa vào cướp rừng, cướp đất trồng keo dẫn đến hàng vạn hom giống cao su của Cty bị quá lứa, hàng trăm công nhân mất việc làm trở thành “tiền mất, tật mang”.
Sự việc xảy ra mặc dù lãnh đạo Cty có nhiều văn bản gửi đến UBND tỉnh, các cơ quan chức năng nhưng đã hơn 2 năm trôi qua, nạn cướp chiếm rừng, đất lâm nghiệp tại xã Hòa Hải vẫn còn tiếp diễn; các cơ quan chức năng huyện Hương Khê chỉ vào cuộc theo kiểu lấy lệ “lỗi thầy mặc sách”!
Dư luận nói gì?
Vấn nạn lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp ở các huyện miền núi Hà Tĩnh ngày một gia tăng, các cơ quan chức năng chưa hề đưa ra được bất kỳ một biện pháp gì hữu hiệu để ngăn chặn. Riêng tại tiểu khu 192 xã Hòa Hải và tiểu khu 220 xã Hương Giang đang ngày một nóng lên bởi sự ngang ngược chiếm đoạt tài nguyên của một số công dân làm càn. Sau khi dư luận lên tiếng, Ban Bí thư TƯ Đảng đã có công văn đề nghị tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra xử lý.
Tại cuộc họp ngày 9/12/2013 do UBND huyện Hương Khê tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần giải quyết gấp rút về nạn xâm chiếm rừng trái phép để giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Bà Hồ Thị Huyền – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hải phải thốt lên: “Đề nghị huyện giải quyết tổng thể toàn bộ diện tích được UBND tỉnh giao 324,5 ha cho doanh nghiệp, bởi nếu cứ để chần chừ theo kiểu này thì số diện tích còn lại sẽ bị người dân tiếp tục chiếm dụng…”.
Còn ý kiến của một số ngành chức năng ở huyện cho rằng, cần phải tuyên truyền mạnh hơn nữa để dân hiểu việc chiếm dụng đất đai là vi phạm pháp luật. Trong những ý kiến nói trên, sự kiên quyết của một số cơ quan chức năng huyện Hương Khê giữa các cuộc họp có vẻ hăng hái nhưng sau cuộc họp thì chẳng có ai mặn mà với sự việc xảy ra.
Tất cả họ thả mặc cho doanh nghiệp tự bươn chải, dẫn đến đã hơn 2 năm trôi qua không một cơ quan chức năng nào đứng ra can ngăn giải quyết có hiệu quả. Trong lúc đó, số diện tích keo của những người cướp đất chiếm rừng ngày một vươn cao. Và thậm chí, những ngày qua, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục chiếm đoạt, cướp đất đến đâu họ trồng keo lên đến đó, mặc cho doanh nghiệp chạy đôn đáo, chơ vơ, bất lực đứng nhìn.
Lời kết
Truyền thống của ngành Lâm nghiệp Hà Tĩnh có được như hôm nay, trước hết phải ghi nhận trách nhiệm của mỗi người dân sống gần rừng, luôn tôn trọng ý thức bảo vệ pháp luật, bên cạnh có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Nhưng ngược lại ngày nay, một số bộ phận người dân quá trớn, thách thức pháp luật, cướp đoạt, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp nhưng các cơ quan chức năng ở địa phương này không hề ra tay làm mạnh, xem nhẹ kỷ cương phép nước, dẫn đến nguy cơ tài nguyên rơi vào tay một số cá nhân. Sự việc được Trung ương chỉ đạo nhưng địa phương vẫn không tập trung xử lý dứt điểm. Ai sẽ là người phải đứng ra chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về vấn đề này?!