Trung Quốc sẽ thiện chí hơn trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới?

ThienNhien.Net – Trung Quốc gần đây đã có những động thái tích cực đầy bất ngờ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trong quản lý nguồn nước chung với quốc gia Trung Á Kazakhstan, trong khi mối quan hệ thiện chí như vậy trong việc quản lý nguồn nước chung với các nước láng giềng Nam Á gần như là khó xảy ra. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Sebastian Biba, Viện Nghiên cứu Khoa học Chính trị tại Đại học Goethe Frankfurt (Đức) trong bài viết đăng trên Chinadialogue, xin được giới thiệu dưới đây. 
 
Nói đến mục tiêu chia sẻ dòng sông vì tương lai chung, Trung Quốc lâu nay đều tỏ ra thiếu thiện chí hợp tác. Đây là một trong ba quốc gia phản đối Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy – thỏa thuận toàn cầu duy nhất về việc sử dụng các nguồn nước quốc tế được Liên Hợp quốc (UN) thông qua năm 1997.

Nằm ở thượng nguồn của hầu hết các con sông lớn ở châu Á, Trung Quốc nghiễm nhiên đóng vai trò kiểm soát dòng chảy của sông vào các nước láng giềng phía hạ nguồn, tuy nhiên nước này lại không ký bất kỳ hiệp ước nào quy định vấn đề phân bổ nguồn nước từ các dòng sông chung và cũng không thiết lập hoặc tham gia bất kỳ ủy hội sông liên quốc gia nào hiện đang tồn tại.

Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị chỉ trích vì không công bố thông tin về các hoạt động xây dựng đập và kế hoạch chuyển hướng dòng chảy của các dòng sông chung như trường hợp sông Mê Kông hay sông Brahmaputra.

Ở khu vực Trung Á, vấn đề ngoại giao về nước của Trung Quốc chủ yếu liên quan tới Kazakhstan. Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương thuộc Trung Quốc và Kazakhstan không chỉ có đường biên giới chung dài 1.700 km mà còn có tới 20 dòng sông chung, trong đó Irtysh và Ili là hai dòng sông lớn nhất.

Bắt nguồn từ dãy núi Altai của Trung Quốc, sông Irtysh chảy qua Kazakhstan và nhập vào một dòng với sông Ob ở Nga trước khi đổ ra Bắc Băng Dương. Sông Ili cũng bắt nguồn từ Tân Cương rồi chảy vào Kazakhstan, điểm kết thúc là hồ Balkhash. Cả sông Irtysh và Ili đều là nguồn cung cấp nước chính cho Kazakhstan.

Nếu việc Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện lớn ở lưu vực Mê Kông hay Brahmaputra đã gây nên những quan ngại sâu sắc thì đối với các lưu vực sông Irtysh và Ili, quan ngại của Kazakhstan lại là do việc Trung Quốc gia tăng sử dụng nước ở những vùng khan hiếm.

Kazakhstan là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn của Trung Quốc, đồng thời là đối tác quan trọng trong việc bảo đảm an ninh biên giới của nước này (Ảnh: Jinning Zhang)
Khu vực Tân Cương – Trung Quốc và Kazakhstan không chỉ có đường biên giới chung dài 1.700 km mà còn có tới 20 dòng sông chung (Ảnh: Jinning Zhang)

Cuối thập kỷ 1980 là khoảng thời gian Trung Quốc bắt đầu xây nhiều kênh đào dẫn nước từ dòng chính về phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt tại các địa phương của mình. Cho đến tháng 10/2004, trong chuyến thăm Kazakhstan, đại sứ Trung Quốc xác nhận rằng nước này đã tiêu thụ 40% lượng nước của sông Irtysh và theo ước tính, tỷ lệ tiêu thụ nước đối với sông Ili là 70%. Cả hai con số trên đều vượt quá tỷ lệ chia sẻ mà hai bên đã thỏa thuận.

Từ Sách Trắng về tiến bộ và phát triển tại khu vực Tân Cương mà Chính phủ Trung Quốc từng công bố, có thể hiểu nguyên nhân quốc gia này tiêu thụ một lượng nước đáng kể từ hai con sông Irtysh và Ili là vì mục đích mở rộng ngành công nghiệp bông và năng lượng. Đây cũng là một phần trong chiến dịch “Phát triển miền Tây” của Trung Quốc.

Bông vốn là loại cây trồng tiêu tốn nhiều nước và hiện đang chiếm khoảng một nửa diện tích đất canh tác của Tân Cương. Bên cạnh đó, khu vực này còn dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ. Để đảm bảo tương lai của ngành dầu mỏ, việc dẫn nước từ sông Irtysh và Ili về Tân Cương phục vụ hoạt động sản xuất là hướng đi khó tránh khỏi. Ngoài ra, tình trạng người dân ở các tỉnh khác không ngừng di cư vào Tân Cương cũng khiến nhu cầu về nước tăng lên.

Cứ đà sử dụng hiện tại, vùng hạ nguồn các con sông thuộc Kazakhstan sớm muộn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước, đe dọa sản xuất gạo, thủy điện và hàng hải. Đặc biệt, sông Irtysh là nguồn nước ngọt chính phục vụ đời sống của gần 15 triệu dân, đa phần sống ở các đô thị lớn phía đông bắc, bao gồm cả thủ đô Astana. Do đó, nếu lượng nước không được đảm bảo có thể sẽ kìm hãm tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nơi đây.

Mặc dù bức tranh chia sẻ nguồn nước còn thiếu cân bằng, song thực tế, Trung Quốc và Kazakhstan vẫn đang là đối tác lâu dài của nhau. Năm 2001, Trung Quốc đã đồng ý thành lập một ủy ban quản lý sông xuyên biên giới với Kazakhstan. Tuy rằng phạm vi hoạt động của ủy ban này chỉ mới giới hạn trong việc giám sát và nghiên cứu, nhưng với một quốc gia không được tiếng về thiện chí hợp tác trong chia sẻ nguồn nước như Trung Quốc thì động thái đó đã được coi là bước đi mang tính đột phá.

Tháng 4/2011, Trung Quốc và Kazakhstan khởi động Dự án phân chia lượng nước chung tại sông Khorgos, một nhánh của sông Ili. Theo hiệp định này, mỗi bên sẽ được sử dụng 50% lượng nước sông nhằm mục tiêu cải thiện hệ thống tưới tiêu, bảo đảm cung cấp đủ nước cho hệ sinh thái và giảm nguy cơ xảy ra lũ, nhất là ở khu vực Cảng Khorgos và Vùng hợp tác thương mại Trung Quốc – Kazakhstan.

Đáng chú ý, trong hai năm qua, hai quốc gia này đã đạt được bước tiến xa hơn trong việc quản trị các dòng sông chung. Đầu năm 2011, Trung Quốc hoàn tất hiệp định bảo vệ chất lượng nước dọc các dòng sông chung với Kazakhstan. Bắc Kinh và Astana sau đó cũng quyết định xúc tiến các kế hoạch điều chỉnh tỷ lệ phân chia lượng nước của sông. Cả hai động thái này đều chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là đối với việc quản lý các dòng sông xuyên biên giới mà Trung Quốc là nước đầu nguồn.

Tuy nhiên, hợp tác với Kazakhstan chưa hẳn đã là hướng đi mới mà Trung Quốc muốn áp dụng cho hoạt động ngoại giao về nước với các quốc gia khác mà điển hình là các nước Nam Á. Bởi lẽ, ngoại giao về nước chỉ là một phần nhỏ trong chính sách ngoại giao của một quốc gia và vì thế thường bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu khác.

Trường hợp Kazakhstan chính là ví dụ rõ nhất. Kazakhstan là đối tác quan trọng của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh biên giới trong cuộc chiến chống lại ba nguy cơ là chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố (cả hai quốc gia đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức quốc tế có mục tiêu thúc đẩy hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực).

Thêm nữa, Kazakhstan còn là nước xuất khẩu dầu lớn của Trung Quốc, đồng thời là nước trung chuyển khí tự nhiên từ Turkmenistan sang Trung Quốc. Đây được coi là hai yếu tố quan trọng mà các nước láng giềng phía nam không có, giúp Trung Quốc bảo đảm an ninh năng lượng và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, cũng cần phân biệt giữa việc chuyển dòng và xây dựng đập. Bởi lẽ, trong khi chuyển dòng là bất công bởi vì các nước hạ nguồn bị tước mất nguồn nước, thì Trung Quốc luôn có thể biện minh rằng thủy điện cuối cùng vẫn trả nước về hạ lưu.

Cuối cùng, cũng cần tính đến những hạn chế trong mối quan hệ thủy-chính trị giữa Trung Quốc và Khazakhstan. Thực ra, mối quan hệ này là hoàn toàn chỉ là quan hệ song phương, không phải những gì mà khu vực Mê Kông trông đợi. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng không dành cho Astana bất cứ quyền phủ quyết nào đối với các hoạt động phát triển đơn phương trên dòng sông thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Chính vì thế, trong khi hợp tác giữa Trung Quốc với Khazakhtan có vẻ lạc quan hơn tình hình ở Mê Kông và Brahmaputra thì cũng không nên coi đấy là một xu hướng hứa hẹn về cách hành xử của Trung Quốc trong ngoại giao thủy-chính trị.