ThienNhien.Net – Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La cơ bản đã hoàn thành, rất nhiều hộ dân đã được đến nơi ở mới, nhưng vẫn còn đó những hệ lụy: cuộc sống đảo lộn, văn hóa xã hội, tập quán canh tác… Không ít người dân vẫn “kêu trời” bởi đến vùng đất mới họ rất khó khăn trong cuộc mưu sinh.
Chiếc xe cà tàng đưa chúng tôi về xã Pha Kinh, thuộc huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) khi đã xế trưa. Hỏi thăm về bản Kích, một bản tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La, được biết: “À, bản bị tách đôi rồi, đi chừng một cây số nữa là tới”.
Ở bản Kích, gặp ông Hoàng Văn Dung, hỏi về đời sống người dân, giọng ông trầm lại: “Người dân nghèo đi anh ạ. Trước đây, khi còn sống ở phía bên dưới, người dân vừa làm rẫy, vừa đánh bắt cá, tuy không giàu có nhưng còn có của ăn của để. Nay bản Kích chia làm hai, 30 nóc nhà đi nơi khác, 30 nóc nhà với 167 nhân khẩu ở lại, chỉ di chuyển dịch lên trên này. Nhường chỗ cho thủy điện, chúng tôi chậm nhận được chế độ TĐC, có hộ còn chưa nhận được.”
Lý giải về chuyện 80% hộ nghèo, còn lại là trung bình, nhiều người dân bản Kích cho biết, do nhường vườn tược, đất màu mỡ cho lòng hồ, chỉ còn nương rẫy trên núi. Khi nhà nước không có chính sách thỏa đáng, không tạo được công ăn việc làm thì người dân chẳng biết lấy đâu ra thu nhập để ổn định cuộc sống.
Qua tìm hiểu, một nửa số hộ dân của bản Kích chuyển đến TĐC tại huyện khác cũng gặp không ít khó khăn. Và một điều khó khăn hơn nữa, là tính cấu kết làng bản của bản Kích đã có từ lâu, nay lại tách ra, ảnh hưởng rất lớn đến bản sắc văn hóa, tinh thần tượng trợ lẫn nhau.
Cũng giống với bản Kích, những khu nhà TĐC thuộc thị trấn Pa So mà người dân của xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) chuyển đến được bố trí ở cuối thị trấn Pa So. Trước đây người dân Chăn Nưa hăng hái “xung phong” di dân nhường đất cho thủy điện. Họ hăng hái dựng nhà, mắc điện, làm đường… với tâm niệm góp phần vào việc chung là xây dựng dòng điện cho đất nước. Hơn thế, họ cũng được hứa hẹn về một cuộc sống ổn định, ấm no.
Thế nhưng, đến nơi ở mới, người Chăn Nưa luôn bị coi là dân “ngụ cư”, các quyền lợi liên quan như bảo hiểm y tế, tham gia sinh hoạt đoàn thể không có. Thêm nữa việc nhập khẩu khó khăn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng bị treo nhiều năm khiến không ít hộ dân vô cùng thất vọng. Người dân có thắc mắc thì các cơ quan chức năng của tỉnh đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Một người dân cho hay: Các hộ dân chuyển lên điểm tái định cư Pa So thuộc diện phi nông nghiệp. Theo tính toán, những hộ dân chuyển lên đây sẽ làm dịch vụ, mở hàng quán buôn bán nhỏ, rồi sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề… Bao nhiêu lời hứa tốt đẹp, bao nhiêu niềm hy vọng của người dân sau 5 năm chuyển đến nơi ở mới vẫn chưa thành hiện thực. Đời sống khá giả chưa thấy đâu, chỉ thấy cuộc sống người dân lầm vào cảnh khó khăn. Không ít người dân cho biết: Khi tuyên truyền vận động, Ban quản lý dự án nói rất thuyết phục nhưng khi thanh toán tiền đền bù cho dân thì vừa thiếu, vừa chậm, vừa không thoả đáng… Cụ thể, người dân vẫn chưa được hưởng nhiều khoản tiền hỗ trợ như: chênh lệch tiền đất giữa nơi đi và nơi đến; nhiều hộ còn chưa được thanh toán tiền hỗ trợ gạo ăn 2 năm đầu cũng như tiền điện sinh hoạt, nước ăn… Đó còn chưa kể đến việc một số hộ đã được hỗ trợ tiền gạo thì lại cấp muộn tới cả năm trời và chỉ cấp trong một lần chứ không cấp theo quý như quy định, đồng thời giá tiền được cấp cũng thấp hơn nhiều so với giá mua gạo ngoài thị trường.
Ở khu vực thị trấn Pa So, ở các xã khác cũng thiếu đất sản xuất. Cũng cần nói rằng, những năm qua các địa phương trong dự án Thủy điện Sơn La đã có nhiều cố gắng, tháo gỡ khó khăn, tập trung mọi nguồn lực nhằm ổn định đời sống sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay các tỉnh đã tiến hành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và thu hồi đất sản xuất nông nghiệp tại các khu, điểm TĐC với tổng diện tích là 19.566 ha/23.573 ha theo quy hoạch tổng thể, đạt 83% kế hoạch. Tỉnh Lai Châu nằm ở đầu nguồn sông Đà, diện tích bị ngập ít, cho nên người dân thực hiện “di vén” là chủ yếu; đến nay tỉnh đã giao đất cho 2.980 hộ, với diện tích 6.612 ha, bình quân 2,2 ha/hộ. Tỉnh Điện Biên, mới tạm giao xong đất sản xuất cho bà con ở hai huyện Tủa Chùa và Mường Nhé. Việc thu hồi, giao đất sản xuất tại thị xã Mường Lay đang gặp khó khăn, do quỹ đất ít. Tỉnh đang chủ trương khai hoang thêm 60 ha ruộng, tạo thêm quỹ đất ở vùng bán ngập cho bà con sản xuất. Đất mới cải tạo chia cho dân hầu hết có độ dốc lớn, là ruộng bậc thang, diện tích chia nhỏ lẻ, lại xa nơi ở, không thuận lợi trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng cho nên người dân không muốn nhận đất.
Nhường lòng hồ cho công trình thủy điện Sơn La là việc làm đáng được hoan nghênh của người dân. Nhưng các cấp, các ngành cũng cần bảo đảm đời sống cho người dân vùng TĐC. Đây là việc làm vô cùng cần thiết, không thể để người dân sống cảnh nheo nhóc, tái nghèo, hoang mang, lo lắng.