ThienNhien.Net – Từ nay tới năm 2020, Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sẽ lỗ hàng nghìn tỷ đồng ở hai dự án bauxite Tây Nguyên. Được biết, số tiền phải chi ra cho 2 dự án này lên tới hơn 32.000 tỷ đồng, trong đó, có 600 triệu USD (khoảng 13.000 tỷ ) vay nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh.
Gánh lỗ hàng ngàn tỷ
Sau cuộc kiểm tra 2 dự án bauxite Tây Nguyên của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, mới đây, Vinacomin và Bộ Công Thương đã tiếp tục phải giải trình về hiệu quả của các dự án này.
Dù các đánh giá của Bộ Công Thương và chủ đầu tư đưa ra đầy lạc quan, thì kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của 2 dự án bauxite vẫn là những con số lỗ liên tiếp lên tới hàng trăm tỷ mỗi năm.
Năm 2013 vừa qua đi, dự án Tân Rai đã lỗ hơn 258 tỷ đồng. Trong năm, dự án đạt công suất 146.250 tấn với tổng doanh thu đạt 980,682 tỷ.
Năm 2014, Vinacomin dự kiến, với công suất được nâng lên là 585.000 tấn, bauxite Tân Rai sẽ lỗ khoảng 176 tỷ đồng. Năm 2015, số lỗ được dự báo sẽ giảm đáng kế với con số là 25 tỷ đồng. Kể từ năm 2016 trở đi, Tập đoàn này cho biết mới bắt đầu có lãi, nhưng con số “khởi điểm” rất khiêm tốn: 9,3 tỷ đồng.
Nếu như dự án Tân Rai được dự báo lỗ 3 năm đầu thì với dự án bauxite Nhân Cơ, ít nhất sẽ lỗ từ 5-7 năm. Cùng đó, số lỗ của Nhân Cơ “gặt hái” về còn khủng hơn nhiều, thậm chí, gấp đôi số lỗ của dự án Tân Rai.
Cụ thể, năm 2015, bauxite Nhân Cơ dự kiến sẽ lỗ hơn 671 tỷ đồng. Năm 2016, khoản lợi nhuận âm này giảm một chút còn 563 tỷ đồng.
Năm 2017, dự án trên tiếp tục lỗ 589 tỷ đồng. Các năm sau, năm 2018: âm 478 tỷ đồng, năm 2019: âm 389 tỷ đồng và năm 2020, hiệu quả kinh doanh bauxite được ‘ấn định” con số âm 237 tỷ đồng.
Tổng hợp lại, 3 năm đầu, dự án bauxite Tân Rai sẽ lỗ tới gần 500 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến năm 2020, dự án này được tin tưởng sẽ lãi 870 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở dự án bauxite Nhân Cơ, 6 năm liên tiếp lỗ với tổng số lỗ lên tới 2.900 tỷ đồng. Chỉ 2 năm đầu, lỗ của dự án Nhân Cơ đã nuốt gọn số lãi của Tân Rai. Và tính bù trừ 2 dự án này, đến năm 2020, hiệu quả sản xuất, kinh doanh bauxite mang lại cho Vinacomin chỉ là con số âm 2.000 tỷ đồng.
Nếu so với công bố của lãnh đạo Vinacomin hồi giữa năm ngoái, các mức lỗ bauxite đã tiếp tục tăng thêm ít nhất là 400 tỷ đồng.
Lỗ thế nhưng hai dự án bauxite trên vẫn được chủ đầu tư tăng vốn bổ sung tới hơn 8.200 tỷ đồng. Tháng 10/2013, dự án Tân Rai đã được Vinacomin phê duyệt điều chỉnh vốn lên 3.980 tỷ đồng, tăng 35,37%, đẩy tổng mức đầu tư lên con số 15.414 tỷ đồng.
Tháng 2 vừa qua, dự án Nhân Cơ cũng nối đuôi tiếp tục tăng thêm 4.318 tỷ đồng so với lúc được phê duyệt tháng 2/2010. Như vậy, tổng mức đầu tư của dự án bauxite thứ hai này tăng 37,99%, hốt con số 16.822 tỷ đồng.
Xuất khẩu giá rẻ bèo
Cho đến nay, nguyên nhân gây lỗ ở 2 dự án này vẫn chưa được Vinacomin giải thích một cách triệt để. Những thông tin ban đầu từ các báo cáo của Tập đoàn này cũng như các đánh giá của Bộ Công Thương thì thấy, giá xuất khẩu của alumin rất bất lợi.
Theo thông tin của Vinacomin, năm 2013, alumin sản xuất từ dự án Tân Rai vẫn có giá bán chưa tới 300 USD/tấn. So với giá dự báo, mức này thấp hơn tới 79 USD/tấn.
Lý giải cụ thể, Tập đoàn này thừa nhận do có vấn đề về chất lượng, tỷ lệ cỡ hạt < 45 microns khá lớn nhưng nguyên nhân là do thời gian đầu, chất lượng chạy thử chưa ổn định. Cuối năm 2013 khi cỡ hặt alumin được cải thiện, tương đương với cỡ hạt alumin giao dịch trên thị trường thế giới, giá bán mới được nâng đần lên xấp xỉ 300 ƯSD/tấn (FOB cảng Gò Dầu).
Năm 2014, Vinacomin đã đàm phán với một số đối tác mua alumin và đối tác đã chấp nhận giá alumin ở mức khoảng 18% giá nhôm, tương đương khoảng 320-330 USD/tấn.
Điều này cũng có nghĩa, mỗi tấn alumin xuất khẩu của Tân Rai đang “ âm” hơn tới 49-59 USD/tấn so với mức giá dự báo trong bài toán đầu tư của Tập đoàn này.
Chính vì thế, dù, tiêu thụ sản phẩm alumin năm qua khả quan thì lỗ vẫn hoàn lỗ.
Tính đến 31/12/2013, alumin Tân Rai đã xuất khẩu được 160.340 tấn alumin cho các Công ty của Thụy Sỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapo…, tiêu thụ trong nước 844 tấn alumin và 3.840 tấn hydroxit nhôm. Song, kết quả là lỗ tới hơn 258 tỷ đồng.
Năm 2014, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với Công ty Marubeni-Nhật Bản (khoảng 300.000 tấn alumin/năm) và Công ty Nhôm Vân Nam – Trung Quốc (khoảng 150.000 tấn alumin/năm), đồng thời, vẫn tiếp tục bán cho các công ty của Thụy Sỹ Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapo… Dự kiến, sản lượng khai thác bôxit, sản xuất và tiêu thụ alumin sẽ tăng lên khoảng 540.000 tấn, và 2.400 tấn hydrat 2.400.
Nhưng con số lỗ đã được “cầm chắc” là hơn 176 tỷ đồng.
Giá bán alumin là một trong các yếu tố quan trọng và quyết định hiệu quà của dự án. Sâu xa hơn, hiệu quả dự án lại phụ thuộc cả vào thị trường thế giới, vốn diễn biến luôn phức tạp, đầy rủi ro.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, rủi ro lớn và tác động đến hiệu quả của các dự án chính là giá bán thấp. Nhưng Bộ này lại có quan điểm lạc quan khi tính, với vòng đời 30 năm, mức giá dự báo ở hai dự án này là đã có dự phòng độ rủi ro trên.
Điều đáng nói hơn, các dự án trên hầu hết là vốn vay. Điều gì sẽ đảm bảo cho Vinacomin đủ tiềm lực tài chính, vừa chấp nhận chịu lỗ hàng nghìn tỷ, bù lỗ, vừa phải è cổ trả hàng chục triệu USD mỗi năm, trong đó, có 600 triệu USD vay nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh?