ThienNhien.Net – Tổng diện tích rừng trồng keo hiện nay ở Việt Nam là hơn 1 triệu ha (chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc) và là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, ván nhân tạo, dăm gỗ và sản xuất đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. Tổng kim ngạch các sản phẩm chế biến từ gỗ keo ở Việt Nam ước đạt hơn 1,5 tỷ USD.
Thông tin này được đưa ra tại hội nghị khoa học quốc tế “Duy trì và phát triển bền vững rừng trồng các loài keo trong tương lai,” tổ chức ngày 18/3, tại thành phố Huế.
Tại hội nghị, tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo vệ và phát triển rừng, có nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trong đó trồng rừng được đặc biệt chú trọng.
Các loài keo Acacia là thuộc nhóm cây trồng rừng chủ lực ở Việt Nam cũng như ở các nước Đông Nam Á. Thông qua trồng rừng keo, nhiều hộ nông dân Việt Nam đã từng bước thoát nghèo và làm giàu. Rừng trồng keo cũng đã góp phần cải tạo đất và bảo bệ môi trường sinh thái.
Giáo sư Rod Griffin thuộc Trường Đại học Tasmania, đại diện Tổ chức Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (IUFRO) cho biết những loài keo Acacia đã được thuần hóa gần 50 năm. Hiện có hơn 2 triệu ha rừng trồng keo ở Đông Nam Á, đóng góp rất lớn vào nguồn cung gỗ của thế giới.
IUFRO ghi nhận sự đóng góp của Việt Nam cũng như những nước khác vào sự phát triển các ngành công nghiệp dựa trên gỗ keo.
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định việc nghiên cứu và phát triển các loài keo phục vụ cho trồng rừng, chế biến xuất khẩu gỗ và các ngành công nghiệp liên quan có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là các mục tiêu quốc gia như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nâng cao độ phì đất, giảm thiểu phát thải và tăng nguồn dự trữ carbon.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận và trao đổi các vấn đề liên quan đến hướng phát triển rừng trồng keo bền vững như nghiên cứu nguồn gen và lai tạo giống keo; quản lý rừng trồng cho hướng sản xuất gỗ bền vững, đánh giá và quản lý rủi ro; giới thiệu các mô hình trồng keo thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như sinh thái.
Các đại biểu cũng bàn về những công nghệ mới trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và các chính sách, dự án nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường của rừng trồng các loài keo, đặc biệt là năng suất, chất lượng và tính bền vững tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới.
Loài keo đã và đang trở thành nguồn tài nguyên quan trọng mang tính toàn cầu với hơn 3,5 triệu ha, bao gồm các loại hình rừng trồng kinh tế tập trung, rừng phòng hộ, nông-lâm kết hợp và hộ gia đình. Ở Việt Nam các loài keo được gây trồng rất rộng rãi, các hoạt động nghiên cứu và phát triển đối với nhóm loài cây này cũng triển khai rất thành công.
Những năm qua, với sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tạo ra trên 90% số giống trong tổng số 146 giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật được công nhận cho các loài keo và bạch đàn. Trong số các giống được công nhận, có 47 giống tiến bộ kỹ thuật là xuất xứ tốt, 70 giống tiến bộ kỹ thuật là các dòng tốt và 19 giống quốc gia là các dòng tốt.
Hội nghị diễn ra đến hết ngày 21/3.