ThienNhien.Net – Sông Mê Kông đang phải đối mặt với “làn sóng thủy điện” khi mà một con đập lớn đang được triển khai tại Lào và nhiều đập khác đang tiếp tục được đề xuất. Điều đáng nói là những con đập này vốn tiềm ẩn nguy cơ làm biến đổi nghiêm trọng hệ sinh thái của dòng sông, đồng thời tác động đến sinh kế của hàng triệu người dân trên lưu vực.
Tại Huay Luk – thị trấn biên giới hẻo lánh phía bắc Thái Lan, ông Pornsawan Boontun vẫn nhớ như in cái ngày cách đây chừng hơn 1 thập kỷ, khi ngư dân đánh bắt được một con cá tra khổng lồ Mê Kông. Con cá ấy nặng tới gần 280 kg, nhưng trọng lượng của cá không khiến người dân ngạc nhiên bằng chính sự xuất hiện bất ngờ của nó – loài cá quý được xếp vào hàng hiếm gặp ở khúc sông này.
Cá tra khổng lồ – một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới – hiện không còn nhiều tại lưu vực Mê Kông. Tình trạng đánh bắt quá mức và sử dụng các phương pháp đánh bắt hủy diệt như nổ mìn, kích điện tuy có góp phần dẫn đến sự suy giảm số lượng của loài cá quý, nhưng vẫn chưa thể sánh với mối đe dọa từ những con đập.
Bảy đập thủy điện được xây trên thượng nguồn sông Mê Kông ở Trung Quốc và hoạt động phá ghềnh, thác nhằm cải thiện giao thông đường thủy đã và đang làm biến đổi dòng chảy, giảm lượng cá và gây ảnh hưởng tới các cộng đồng cư trú dọc hạ lưu sông Mê Kông, đoạn chảy qua Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Tuy nhiên, những tác động trên có thể sẽ sớm trở nên tồi tệ hơn nếu kỷ nguyên xây đập mới được bắt đầu ở vùng hạ nguồn con sông. Hiện nay, 11 đập thủy điện lớn – đa phần đều ở Lào – và nhiều con đập trên các dòng nhánh Mê Kông đã được đề xuất xây hoặc đang trong quá trình xây dựng.
Đập Xayaburi nằm ở mạn tây bắc Lào, cách Huay Luk chỉ vài trăm dặm xuôi về phía hạ nguồn đã thi công được hơn 1 năm. Tại Campuchia, hoạt động xây dựng đập Hạ Sesan 2 trị giá 781 triệu USD do một công ty Trung Quốc làm chủ đầu tư dự kiến cũng sẽ triển khai nay mai. Chính phủ Lào cũng đã tuyên bố sẽ khởi công dự án đập Don Sahong nằm ngay hạ nguồn Xayaburi, con đập mà giới khoa học cảnh báo sẽ phá hủy môi trường nghiêm trọng. Đập Pak Beng, một dự án khác cũng do chính phủ Lào đề xuất có khả năng tạo ra một hồ chứa, nâng mực nước đằng sau thân đập thêm 12 m và gây ngập đoạn sông gần Huay Luk, buộc người dân nơi đây phải tái định cư.
Những con đập đề xuất ở hạ nguồn Mê Kông sẽ sản xuất được khoảng 14.700 MW điện, đưa công suất phát điện của toàn khu vực Đông Nam Á tăng thêm 25%. Song, các chuyên gia về sông ngòi cảnh báo, nếu tiến trình xây đập diễn ra theo kế hoạch, chu kỳ lũ của sông có thể bị rút ngắn, nghề cá và các miệt vườn ven sông vốn tồn tại dựa vào chế độ dòng chảy và lượng phù sa của con sông bị ảnh hưởng, từ đó tác động đáng kể tới chế độ dinh dưỡng và sinh kế của 40 triệu người sống phụ thuộc vào dòng Mê Kông.
Ian Baird, nhà địa lý học thuộc trường Đại học Wisconsin (Mỹ), người đã sống và nghiên cứu 15 năm tại Lào cho biết: “Lưu lượng nước của sông Mê Kông vào mùa mưa nhiều gấp khoảng 30 lần so với mùa khô. Những thay đổi lớn này chính là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao cá ở đây lại hay di chuyển và hoạt động di cư ở đây lại quan trọng hơn ở bất kỳ dòng sông lớn nào trên thế giới”.
Biến động dòng chảy theo mùa ngoài ra cũng là một chỉ dấu môi trường cho biết thời điểm di cư và đẻ trứng của cá. Mê Kông hiện là ngôi nhà của 850 loài cá, 135 trong số đó là loài di cư và việc làm biến đổi dòng chảy theo mùa của con sông có thể đe dọa đời sống của rất nhiều loài thủy sinh.
Do vị trí gần các bãi đẻ trứng nên các nhà khoa học tin rằng đập Xayaburi sẽ tạo ra một hàng rào mà cá tra khổng lồ Mê Kông không thể vượt qua và có thể đẩy chúng tới bờ vực tuyệt chủng. Vì con đập đầu tiên trong chuỗi đập được Lào đề xuất xây dựng này nằm ở vùng hạ nguồn nên tác động sẽ vô cùng nghiêm trọng – ông James Pittock, nhà sinh thái học nước ngọt thuộc trường Đại học Quốc gia Úc khẳng định. Ông cũng là đồng tác giả của một nghiên cứu công bố năm 2012 chứng minh rằng những tác động tiềm ẩn của việc xây đập trên sông Mê Kông tới nghề cá trong khu vực chưa được phân tích đầy đủ trong các bản đánh giá về dự án.
Trong khi đó, phía đề xuất dự án đập Xayaburi trị giá 3,5 tỷ USD bao gồm Chính phủ Lào và các công ty Thái Lan chỉ nhấn mạnh mặt có lợi của dự án là mang điện tới vùng nông thôn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp. Những bản đánh giá do Chính phủ Lào thực hiện đều thống nhất quan điểm rằng các tác động môi trường từ dự án đập Xayaburi không đáng kể và rằng các giải pháp giảm thiểu tác động như xây cầu thang cá sẽ giải quyết được câu chuyện di cư của các loài cá. Tính đến hiện tại thì con đập đã hoàn thành được 21%.
Tuy nhiên, Pittock và các nhà khoa học khác lại tỏ ra hoài nghi những phân tích từ phía Lào. Ông cho hay: “Các chuyên gia đã khẳng định rằng giải pháp thiết kế cầu thang cá hoàn toàn không phù hợp với các đập lớn ở châu Á” bởi chúng không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của một số lượng lớn các loài cá và không thể nào thay đổi được tác động của đập lên chu kỳ lũ của sông. Do đó, ông gọi đây là những phân tích “vô trách nhiệm” vì không tính đến việc hàng triệu người dân phải làm gì để thay thế lượng protein bị mất đi khi nguồn cá suy giảm mạnh do đường di cư bị chặn và dòng chảy biến đổi.
“Gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực của người dân ở một quốc gia đang phát triển rõ ràng là một tác động nặng nề. Các công ty và chính phủ gây ảnh hưởng có nghĩa vụ đạo đức phải đề xuất cách thức giảm thiểu tác động” – ông Pittock khuyến nghị.
Lâu nay, nền kinh tế Lào vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn viện trợ quốc tế và đầu tư nước ngoài. Để đưa Lào trở thành “cục pin” của Đông Nam Á và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các quan chức nước này cho rằng cần phải tập trung vào phát triển thủy điện.
Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Lào đã tuyên bố kế hoạch xây con đập lớn thứ hai – Don Sahong ở phía nam Lào, gần biên giới Campuchia. Đây là dự án đập gây nhiều quan ngại về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đối với loài cá và cuộc sống người dân vùng hạ nguồn Mê Kông bởi vị trí xây đập gần kề Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nối với dòng chính sông Mê Kông qua sông Tonle Sap, đồng thời là trái tim của của đất nước Campuchia. Vào mùa mưa, thay vì rút nước từ hồ ra sông Mê Kông, sông Tonle Sap lại chảy ngược dòng tiếp nước vào hồ, mang theo phù sa bồi đắp cho những đồng bằng trồng lúa, hoa màu ven hồ và tạo điều kiện cho các loài cá mà điển hình là cá chép di cư tới các bãi đẻ trứng.
“Xét riêng trong phạm vi di cư của loài cá, chúng ta đều biết rõ những dự án càng gần Biển hồ Tonle Sap, càng có nguy cơ đe dọa đời sống thủy sinh vì càng gần hồ, lượng cá càng tăng” – bà Ame Trandem, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) bình luận. Vị trí xây đập Don Sahong vắt qua tuyến đường quan trọng mà các loài cá thường dùng để bơi qua thác Khone, thác lớn nhất trong lưu vực Mê Kông, càng khiến dự án trở nên rủi ro.
Nhóm phản đối dự án đập Don Sahong đang nỗ lực đấu tranh để ngăn cản tiến trình xây đập và gây ảnh hưởng với những người ra quyết định. Đánh giá môi trường chiến lược năm 2010 của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) từng lưu ý tới tiềm năng phát điện từ 11 con đập được đề xuất xây trên dòng chính, nhưng cũng nhấn mạnh rằng những con đập này có thể làm suy giảm đáng kể các chức năng tự nhiên của sông Mê Kông, gây nguy cơ mất từ 26 – 42% lượng cá của sông và ước tính đẩy 100.000 người vào tình trạng mất nơi cư trú. Từ đó, báo cáo khuyến nghị tạm hoãn xây đập mới trong vòng 10 năm nữa để nghiên cứu sâu hơn.
Tuy nhiên, khuyến nghị của MRC đã bị bỏ ngoài tai. Chiếu theo quy định của MRC, Lào đã đệ trình thủ tục tham vấn (PNPCN) cho con đập Xayaburi bất chấp những quan ngại từ các nước láng giềng, các nhà khoa học và các nhà môi trường học; và tiến hành khởi công dự án khi thủ tục tham vấn vẫn còn dang dở.
Các dự án dòng nhánh như Hạ Sesan 2 ở Campuchia không đòi hỏi mức độ tham gia của khu vực cao như các dự án dòng chính; các nước chỉ cần thông báo ý định của họ tới các thành viên còn lại trước khi khởi công dự án. Thế nhưng không thể phủ nhận, dòng nhánh đóng một vai trò lớn đối với chu kỳ lũ của sông cũng như hoạt động di cư và sinh sản của các loài cá.
Đập Hạ Sesan 2 nằm trên một nhánh sông quan trọng đối với hoạt động di cư của cá và cũng khá gần Tonle Sap. Một nghiên cứu mô hình hóa năm 2012 đã dự đoán rằng chỉ riêng Sesan 2 cũng có thể làm giảm 9,3% sinh khối cá trong toàn bộ lưu vực Mê Kông. Vậy thử hình dung xem, nếu toàn bộ các đập dòng nhánh được xây lên thì sẽ gây tác động lớn thế nào tới nghề cá và đa dạng sinh học?!
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng đánh giá lại cách người dân và chính quyền nhìn nhận và xác định tính đa dạng của các hệ sinh thái lưu vực Mê Kông. Ông Apisom Intralawan, nhà sinh thái học thuộc Viện Nghiên cứu Tài nguyên thiên nhiên và Quản lý Môi trường – trường Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) cho biết, những đánh giá chính thức vốn thiên về giá trị thủy điện và tăng trưởng công nghiệp đang sử dụng “một định nghĩa hẹp về tình trạng nghèo đói”. Các cộng đồng có thể “nghèo, song họ được bảo đảm về an ninh nguồn nước – yếu tố quyết định an ninh lương thực của con người và họ có niềm tin vào xã hội”. |
Trong một bài phân tích năm 2011 về chi phí – lợi ích của ông Apisom cùng nhà kinh tế học sinh thái Robert Costanza và một vài tác giả khác, nhóm tác giả cho rằng các kế hoạch xây đập chưa đánh giá đúng mức những tác động lên nghề cá và đánh giá quá thấp những tác động đối với vùng đất ngập nước cũng như ngành nuôi trồng thủy sản. Thay vì tạo ra 33 tỷ USD lợi nhuận kinh tế, nhóm ước tính, các con đập hạ nguồn Mê Kông sẽ khiến khu vực phải bỏ ra tới 274 tỷ USD để bù đắp cho sự suy thoái tài nguyên, dịch vụ hệ sinh thái và các tác động khác.
Công trình đập tạm cuối cùng của dự án đập Xayaburi được lên kế hoạch xây dựng vào tháng 7/2015, đánh dấu tiến trình chặn dòng sông Mê Kông sẽ hoàn tất và không cách nào có thể cứu vãn nữa. “Nếu con đập vẫn tiếp tục xây dựng thì chúng ta chỉ có thể ngồi chờ xem những thay đổi về mặt sinh thái của dòng sông. Do đó, trên thực tế, chỉ còn hơn 1 năm nữa để cứu sông Mê Kông” – bà Trandem khẳng định.