ThienNhien.Net – Lượng ánh sáng không ổn định từ Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất có thể lý giải phần nào những biến đổi về khí hậu của châu Âu trong vòng 1.000 năm qua, bao gồm cả những mùa Đông lạnh giá của thế kỷ 16 và 18.
Gần đây, các nhà khoa học địa cầu đã phát hiện ra sự sụt giảm ánh sáng mặt trời có liên hệ với sự sụt giảm nhiệt độ ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, khiến khí hậu châu Âu trở nên khắc nghiệt hơn.
Theo nghiên cứu trên tờ Nature Geoscience, khi Mặt Trời sản sinh ra ít năng lượng nhất, một hệ thống áp cao có thể hình thành trong khí quyển khu vực Bắc Đại Tây Dương. Hệ thống áp cao này ngăn chặn gió ấm Tây Ôn đới thổi từ tây sang đông, đồng thời cho phép không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống châu Âu.
“Chúng tôi cho rằng hiệu ứng này có thể góp phần giải thích những mùa Đông nổi tiếng khắc nghiệt trên khắp châu Âu giữa thế kỷ 16 và 18, được mô tả một cách sống động trong nhiều tác phẩm hội họa, bao gồm những bức tranh nổi tiếng về hội chợ London Frost trên sông Thames. Những mùa Đông khắc nghiệt này cũng đã từng dẫn đến mất mùa và đói kém trên diện rộng; điều này được chứng thực qua những ghi chép về giá lúa mì trong giai đoạn này,” tác giả nghiên cứu Paola Moffa-Sanchez thuộc đại học Cardiff cho biết trong một cuộc họp báo.
Nghiên cứu phân tích sự tương tác giữa ánh nắng Mặt Trời, biển và khí hậu, sử dụng những số liệu thu được từ hóa thạch, hồ sơ về vết đen mặt trời và mô phỏng trên máy tính. Các chất hóa học thu được trong các hóa thạch của vi sinh vật biển cung cấp cho các nhà khoa học thông tin về nhiệt độ và độ mặn của đại dương trong thiên niên kỷ qua.
Những ghi chép về vết đen mặt trời cung cấp các đầu mối về hoạt động của mặt trời, bởi số lượng vết đen càng nhỏ thì năng lượng mặt trời càng thấp. Các dữ liệu trên được thu thập và đưa vào một mô hình trên máy tính, mô phỏng những thay đổi của khí hậu châu Âu do Mặt Trời mang lại.
Kết quả của nghiên cứu này đã củng cố thêm cho các nghiên cứu trước đó về sự tương tác giữa năng lượng Mặt Trời và khí hậu.