Châu Âu muốn “khoáng sản sạch”

ThienNhien.Net – Trên thế giới hiện nay, kim cương rất nổi tiếng và hiếm có, thường được khai thác chủ yếu ở châu Phi. Nhưng do lợi nhuận thu được từ hoạt động này dùng để tài trợ cho các cuộc xung đột vũ trang trong khu vực nên mặt hàng này còn gọi là “kim cương dính máu”. Từ dây chuyền sản xuất, máy tính điện tử, điện thoại di động, thiết bị cho ô tô, đồ trang sức cho đến các đồ vật của cuộc sống thường ngày đều có thể chứa loại khoáng sản “bẩn” đó.

Ngày 5/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất đầu tiên cho phép nhập khẩu khoáng sản “sạch” được khai thác từ các khu vực đang xảy ra chiến sự hoặc các khu vực nguy cơ cao. Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Karel De Guncht cho biết: “Chúng tôi đương nhiên nghĩ tới các khu mỏ trong vùng Kivu và các nơi còn lại của Cộng hòa dân chủ Công gô. Khu vực Hồ Lớn cũng không bị hạn chế.”

Ngoài ra, Trung Phi và Colombia cũng là những khu vực được phép khai thác. Cả ông Karel De Guncht và bà Catherine Ashton, Ủy viên EU phụ trách đối ngoại đều đề nghị cấp giấy chứng nhận cho những người nhập khẩu thiếc, volfram, vàng nếu họ làm việc có trách nhiệm và mong muốn có một nhãn hiệu.

Một mỏ khai thác vàng ở Philippines (Ảnh minh họa: leightonasia.com)
Một mỏ khai thác vàng ở Philippines (Ảnh minh họa: leightonasia.com)

Trong những chuyến thăm các hầm mỏ và thảo luận với những người cung cấp khoáng sản, EC hy vọng các nhà nhập khẩu sẽ thiết lập một dây chuyền nhập khẩu sạch. “Chúng tôi yêu cầu các nhà nhập khẩu lắp đặt hệ thống này tại chỗ, với tư cách cá nhân, vì họ là những người làm việc trực tiếp tại hiện trường và họ báo cáo trực tiếp những gì xảy ra trong hầm mỏ”, ông Karel De Guncht giải thích. Ngoài ra, EC cũng đề xuất việc hàng năm sẽ xuất bản một danh sách các nhà máy luyện và tinh chế khoáng sản ở châu Âu và các nơi khác.

Liên quan đến giấy chứng nhận, đây là đặc điểm nổi bật trong văn bản của EU khác với đạo luật Dodd Frank Act của Mỹ. Giấy chứng nhận của EU được cấp trên cơ sở tự nguyện. Còn Dodd Frank Act, được áp dụng từ năm 2010, áp đặt cho các xí nghiệp Mỹ sử dụng khoáng sản khai thác từ khu vực xung đột phải khai báo nguồn gốc và kiểm tra lại tính “sạch sẽ”. Nhiều doanh nghiệp chạy trốn khỏi khu vực nguy cơ cao và thích được cung cấp khoáng sản từ chỗ khác do lo sợ sẽ bị áp dụng đạo luật Dodd Frank Act. Do đó, các khu vực chiến sự ngày càng vắng các nhà nhập khẩu nước ngoài. EC mong muốn bằng mọi giá tránh việc các nhà nhập khẩu rời bỏ khu vực xung đột.

Mặc dù giấy chứng nhận được cấp trên cơ sở tự nguyện với giá khoảng 5.000-12.000 euro, nhưng các nhà nhập khẩu vẫn sẵn sàng chi để có được nhãn hiệu. Một nửa trong số 420 nhà nhập khẩu khoáng sản và kim loại châu Âu muốn có được giấy chứng nhận này, trong khi đó 1/5 lại tìm kiếm khoáng sản tại các khu mỏ ở xa vùng xung đột. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên bởi Dodd Frank Act chỉ được áp dụng chính thức ở Mỹ, nhưng các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh hay chưa hoàn chỉnh cho các xí nghiệp của Mỹ cũng sợ bị liên quan đến Dodd Frank Act. Nhiều nhà nhập khẩu châu Âu cũng lo lắng điều này. Do đó, họ muốn có một tấm giấy chứng nhận của châu Âu để xác nhận rằng khoáng sản của họ là “sạch”.

Hiện nay, người tiêu dùng châu Âu tầng lớp trung lưu cũng quan tâm đến giấy chứng nhận này. Tuy nhiên, để mua một món hàng, như điện thoại di động có giấy chứng nhận được sản xuất bằng khoáng sản sạch, họ phải chờ đến năm 2015, bởi vì đề xuất của ông Karel De Guncht và bà Catherine Ashton phải chờ Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU thông qua.