ThienNhien.Net – Đến nay đã 7 năm trời, 23.000 nhân khẩu tái định cư thủy điện Huội Quảng, Bản Chát vẫn đang phải sống vật vã từng ngày trên vùng đất khát.
Hai công trình thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khởi công xây dựng ngày 8/1/2006 trên dòng Nậm Mu chảy qua hai huyện Tân Uyên và Than Uyên thuộc tỉnh Lai Châu. Cuộc di dân khổng lồ với gần 23.000 nhân khẩu đã được tiến hành từ năm 2007, đến nay đã 7 năm trời, người dân tái định cư đang phải sống vật vã từng ngày trên vùng đất khát.
Mòn mỏi đợi mưa
Hai công trình thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát có tổng dung tích là 2,33 tỷ m3 nước, diện tích lưu vực 4.753 km2, công suất lắp máy 740 MW điện mỗi năm. Để phục vụ xây dựng hai công trình thuỷ điện này hai huyện Tân Uyên và Than Uyên phải tiến hành di dời dân cư 71 bản với 3.619 hộ của 11 xã sống dọc hai ven bờ dòng Nậm Mu đến nơi ở mới.
Khổ lắm cán bộ à!
Tháng 1/2007 bản Đốc và bản Chát tiến hành di dân khỏi lòng hồ để xây dựng nhà máy thuỷ điện Bản Chát mở đầu cho cuộc di dân khổng lồ của hai huyện Than Uyên và Tân Uyên. Đến nay chỉ còn 192 hộ phải di dời thuộc công trình thuỷ điện Huội Quảng.
Cuối tháng 5/2007, tôi có mặt tại bản Chát (xã Mường Kim, huyện Than Uyên), bản tái định cư đang được xây dựng nằm giữa lưng chừng núi. Từ dưới chân núi nhìn lên những ngôi nhà lợp bằng tấm lợp trắng loá trong nắng hè vô cùng nhức mắt. Leo hai cây số mới tới nơi, ở trên cao gió thổi ù ù suốt ngày đêm, gió nhiều đến nỗi những bãi cỏ tranh cũng rạp xuống vì gió.
Đúng 7 năm sau, hôm nay, tôi trở lại bản Chát, hình ảnh một số người dân mà tôi gặp hôm đó hiện lên trong tâm trí tôi với rất nhiều cung bậc. Hôm ấy tôi gặp Hoàng Văn Eo đang đi vật vờ trong bản, tôi hỏi anh: Đi đâu đấy? Eo đáp: Đi cắm gạo ở dưới quán.
Hỏi ra mới hay gia đình Eo đợt đầu được nhận 42 triệu đồng tiền đền bù, anh dựng lại ngôi nhà sàn 3 gian, mua được ít đồ đạc và thóc gạo đến nay số tiền ấy đã hết. Về nơi ở mới nhà anh được chia một ít ruộng nhưng không có nước phải đợi trời mưa mới có nước cấy.
Còn trưởng bản Hoàng Văn Mầng thì lắc đầu bảo tôi: Nhà mình ở bản cũ mỗi năm thu trên dưới 10 tấn thóc, không lo đói. Bây giờ chuyển lên đây ruộng được chia rồi nhưng không có nước nên vẫn chưa cày cấy được. Nhà nước làm mương thuỷ lợi dẫn nước từ trên núi về không chỉ cho riêng bản Chát, ruộng bản Khiết cũng lấy nước từ mương nước này. Mùa khô nước chảy bé tí chỉ bằng ngón tay chẳng đủ cho người dùng, chưa nói gì tới SX…
Sau 7 năm trở lại bản Chát, bản đã xanh rờn màu xanh của cây cối, điều đó mách bảo với tôi về sự ổn định của bản tái định cư, tôi rẽ vào nhà ông Lò Văn Dòm, lúc này chỉ có vợ ông là bà Lò Thị Thi và cô con dâu Lò Thị Son. Lần đầu tiên gặp người nơi khác tới hỏi thăm cuộc sống của mình, bà Thi chán ngán bảo: Ối dô, sống ở đây khổ lắm cán bộ à. Không đủ nước ăn, nước làm ruộng cũng không có, chả biết làm gì để sống nữa…
Nhà bà Thi có 7 khẩu, được chia mấy sào ruộng nhưng không có nước nên chỉ thu được mấy bao thóc. Sau Tết, giờ chỉ còn hai bao, số thóc này chỉ đủ ăn chừng hơn tháng nữa. Bà dẫn tôi vào xem hai bao thóc, bà mở cho xem bao thóc hạt lép, hạt đen lẫn lộn.
Bà thở dài: Thóc này ngày trước ở bản cũ chỉ để nuôi gà, nuôi vịt. Bây giờ chẳng đủ để ăn, vịt gà cũng không có gì để nuôi. Khi nhà mình về đây trâu cũng không nuôi được, 14 con trâu vừa ốm chết và bị người ta lấy cắp. Khổ quá rồi, đến vụ phải đi mượn trâu của anh em làm…
Tôi hỏi bà Thi những gia đình khác thế nào? Bà bảo: Nhà nào ruộng có nước cấy thì đủ ăn, còn lại thì khổ như nhau thôi… Bà chỉ thằng con trai là Lò Văn Pành vừa từ đâu về: Cả nhà bây giờ trông vào thằng này, đi làm thuê cho người ta mỗi ngày được mấy chục nghìn mua gạo, mua muối nuôi cả nhà. Mong có nước để làm ruộng, 7 năm rồi vẫn chưa thấy Nhà nước làm mương dẫn nước về cho dân…
Phải mua nước sinh hoạt
Sớm hôm sau tôi lên bản Chít, xã Phúc Than. Bản nằm ở khu vực đội 11 cũ thuộc Nông trường quốc doanh Than Uyên. Đội 11 trước đây chuyên chăn nuôi trâu bò và trồng ngô, do nằm dưới chân đèo Khau Co, nên gió thổi tưng bừng suốt 6 tháng mùa khô, đất khô cháy cỏ cũng không mọc nổi, đàn bò cứ theo năm tháng teo dần, đội 11 giải thể, các gia đình công nhân chuyển về các đội khác. Một vùng đất mênh mông trắng loá, mùa khô gió thổi bụi bay mù trời.
Tháng 5/2011, bản Chít xã Pha Mu có 128 hộ chuyển tới đây, lúc này bản vắng tanh vắng ngắt, tôi leo gần hết bản mới gặp mấy người đi lấy củi. Lò Văn Xay dẫn tôi về nhà, Xay bảo: Ở đây gió quá, đêm ngủ nhà cứ rung lên, rét và sợ nhà đổ nên gia đình cháu chuyển hết xuống lán dưới kia, ăn ngủ ở đấy, nhà to này chỉ khi có khách mới về…
Công trình nước sạch do Ban quản lý dự án xây dựng nay cũng đã hỏng chỉ sau một vài tháng sử dụng. Các hộ muốn có nước ăn thì tự kéo đường ống xin của các hộ gia đình đã ở trước, “xin nước” nhưng cũng phải góp cho các hộ này 2-3 triệu đồng họ mới cho cắm đường ống vào nguồn nước.
Ông Tâm lắc đầu: Kể từ tháng 1/2012 bà con chuyển về đây đến nay vẫn chưa có điện, bọn trẻ con muốn học bài cũng chẳng được… Nói rồi ông Tâm nhìn ra cánh đồng khô cháy gió thổi ngùn ngụt trước nhà mong những cơn mưa mùa hạ tới, nhưng hai tháng nữa mới tới mùa mưa. |
Xay cho tôi hay, nhà anh mua được 1.900 m2 ruộng, mỗi năm thu được khoảng 12 bao thóc. Một số nhà có ruộng cấy được hai vụ còn lại chỉ cấy được một vụ thôi. Sau ba năm Nhà nước không hỗ trợ đời sống nên nhiều nhà cũng thiếu ăn. Tôi hỏi những gia đình nào, Xay bảo: Trưởng bản Lò Văn Hẹ biết, máy điện thoại của cháu hết tiền rồi chú bấm số cháu gọi trưởng bản về nhé…
Trưởng bản Hẹ dẫn tôi đi thăm bản mới, hỏi sao bản vắng thế, tôi mới hay mùa này không có nước làm ruộng mọi người lên rừng lấy củi trữ mùa mưa, một số người thì xuống đường làm thuê, ai mướn việc gì thì làm việc ấy.
Hẹ cho biết, trong 128 hộ chỉ có 11 hộ nhận đất ruộng do Ban quản lý dự án di dân tái định cư bố trí, còn lại 117 hộ tự bố trí đất SX. Nhà Hẹ mua được 4.400 m2 ruộng nên mỗi năm thu được 40 bao thóc, không thiếu ăn nhưng khổ nhất là nước ăn.
Công trình nước sạch do dự án xây dựng thì đã hỏng rồi, bản phải tự cắt cử nhau cứ 10-15 ngày lại lên núi đắp lại đập dẫn nước về. Các nhà tự kéo ống nước dẫn nước về nhà mình, mùa mưa thì có đủ nước dùng, còn mùa khô thì mọi nhà phải chia nhau từng can nước. Muốn tắm giặt phải đi 2-3 cây số mới tới suối, mỗi sớm trở dậy mặt người nào cũng sạn nghít bụi đất.
Trên đường đi tôi thấy mấy người phụ nữ lúi húi cuốc đất, tôi hỏi một chị, chị ta bảo: Không có việc gì làm, buồn chân buồn tay thì ra cuốc đất, khi nào mưa thì gieo ngô, còn bây giờ cứ cuốc ra để đó thôi…
Bản Chít như vậy vẫn còn may mắn chán, bản Khì 2 nằm dưới thung lũng dưới chân dốc Long Thăng không chỉ thiếu đất canh tác mà nước sinh hoạt cũng phải bỏ tiền ra mua. Trưởng bản Quàng Văn Tâm ngán ngẩm: Nhiều gia đình phải xuống tận Mường Than cách đây 5-6 cây số để mua đất ruộng. Có nhà mua được một sào, có nhà mua được hai sào, như gia đình các ông: Lường Văn Thơm, Lò Văn Lưa, Lò Văn Thích, Lò Văn Sơn, Lò Văn Lăn, Tòng Văn Sọn… Có nhà hiện không đủ tiền để mua đất, nên chưa dám nhận tiền đền bù từ Ban quản lý dự án như gia đình Lò Văn Nguyên.