ThienNhien.Net – Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra phức tạp, gồm cả khai thác được cấp phép và khai thác trái phép. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi hoàn thành việc khai thác, nhiều doanh nghiệp đã cố tình bỏ quên trách nhiệm hoàn nguyên để lại hậu quả khó lường cho người dân và môi trường tự nhiên, gây nên những bức xúc kéo dài cần được giải quyết.
Những hệ lụy sau khai khoáng
Đồng Nai có nguồn tài nguyên khoáng sản khá dồi dào, nhất là loại khoáng sản đất, đá, cát phục vụ xây dựng. Hiện toàn tỉnh có hơn 40 mỏ khoáng sản đã khai thác xong, diện tích hơn 1.700ha; trong đó, có 31 mỏ đá, 3 mỏ đất sét và 7 mỏ cát xây dựng. Một trong những mỏ đá lớn nằm trên địa bàn xã Hóa An (TP Biên Hòa) và xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) là mỏ đá Hóa An. Mỏ này đã kết thúc khai thác từ năm 2010, nhưng đến nay Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (đơn vị khai thác) vẫn trì hoãn trách nhiệm khắc phục môi trường, để lại một bãi trống nham nhở, ngổn ngang, vách dựng đứng cùng những hố sâu từ 70 đến 80m hết sức nguy hiểm. Mỏ đá Hóa An cách khu dân cư chưa đầy 200m nên trước đây mỗi khi nổ mìn khai thác đá làm rung chấn nền đất xung quanh khiến nhiều hộ dân ở Hóa An bị nứt tường nhà, bong hồ xây trát.
Không chỉ ảnh hưởng tới tường nhà những hộ gần khu khai thác mà hệ lụy hậu khai thác còn đe dọa đến tính mạng người dân. Ông Nguyễn Văn Quý, ấp trưởng ấp ông Hường, khẳng định: Mỏ đá Hóa An đã ngừng khai thác từ lâu nhưng không thấy đơn vị khai thác khôi phục mặt bằng mà vẫn để những hố sâu hàng trăm mét. Đã có một số động vật rơi xuống đó chết đuối. Không chỉ mỏ đá Hóa An mà lần lượt các mỏ đá khác khai thác xong cũng không hoàn nguyên mặc cho chính quyền địa phương và nhân dân bất bình, phản đối.
Khẩn trương khắc phục
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra và báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo khắc phục. Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở cho biết: Chúng tôi đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan phối hợp xử lý triệt để những hệ lụy sau khai thác ở các mỏ đá; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy trình khai thác và khôi phục hoàn nguyên, trả lại môi trường và điều kiện sống bình thường cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa triển khai khắc phục theo chỉ đạo của tỉnh. Người dân vẫn đang phải chịu những hệ lụy do khai khoáng gây ra. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hóa An và các mỏ khác thì những yêu cầu của chính quyền cấp xã, phường hầu như không có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp phớt lờ không thực hiện kiến nghị dẫn tới việc khắc phục kéo dài.
Theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành chức năng cần có biện pháp mạnh buộc các doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả sau khai thác, thậm chí phải bồi thường nếu gây ra thiệt hại lớn cho người dân; đồng thời, đối với các mỏ đang khai thác cần nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm hoàn nguyên. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chủ động tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh quy định cụ thể trách nhiệm, cấp có thẩm quyền giám sát, quản lý việc khai khoáng ở địa phương; trao quyền và trách nhiệm cho chính quyền sở tại trong việc phối hợp kiểm tra các cơ sở khai thác khoáng sản nếu gây hậu quả cho nhân dân trong phạm vi quản lý và đôn đốc các doanh nghiệp hoàn nguyên hậu khai thác.