ThienNhien.Net – Tháng 4-2013, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là Khu Ramsar 2088 của thế giới, khu thứ hai tại đồng bằng sông Cửu Long và thứ năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây việc phá rừng lén lút, trái phép diễn ra hằng ngày. Tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai nhiều cách làm quyết liệt để bảo vệ rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Từ năm 2011 đến 2013, nhất là giữa năm 2013, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (VQGMCM) trở thành điểm nóng với hàng loạt vụ phá rừng gây bức xúc trong dư luận tại địa phương. Việc một bộ phận không ít người dân chặt phá rừng trái phép lấy gỗ, lén lút hầm than hoặc vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ diễn ra hằng ngày. Khu vực bị khai thác trái phép gây thiệt hại với quy mô lớn diễn ra tại khu vực: Cồn Cát; Cái Ðôi – Cái Mòi; Kinh Năm thuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Qua kiểm tra, đo, đếm tại hiện trường của ngành chức năng, tổng diện tích rừng bị tàn phá trắng gần 18,3 ha; trữ lượng cây rừng thiệt hại hơn 1.773 m3 gỗ đước. Ðiều đáng quan tâm là tại các địa bàn này đều có các trạm, chốt kiểm lâm và nhân viên của VQG trực quản lý, bảo vệ 24/24 giờ. Thế nhưng, việc tàn phá rừng của một bộ phận người dân cứ diễn ra hằng ngày tại đây, làm cho dư luận tại địa phương rất băn khoăn, nghi ngờ có sự tiếp tay của một số nhân viên kiểm lâm…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: để ngăn chặn nguy cơ phá rừng có xu hướng gia tăng, cuối năm 2013, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo lập Tổ công tác; các ngành chức năng tăng cường các lực lượng, phương tiện… từ tỉnh về bám địa bàn, phối hợp cùng chủ rừng kiểm tra, rà soát lại những khu rừng bị tàn phá; lò hầm than, các tụ điểm mua bán, tiêu thụ trái phép; kiểm tra đến đâu xử lý dứt điểm đến đó, tránh tình trạng chặt phá tái diễn trở lại trên lâm phần, trả lại sự bình yên cho rừng VQGMCM. Hiện nay, tình trạng lén lút phá rừng, vi phạm trên lâm phần về cơ bản đã được kiểm soát; việc mua bán, vận chuyển gỗ đã được ngăn chặn kịp thời. Công tác xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng cũng được xử lý nghiêm minh.
Qua công tác điều tra của cơ quan chức năng, đã có một vài vụ án phá rừng có dấu hiệu liên quan đến một vài cán bộ, nhân viên kiểm lâm tại các trạm, chốt đã bị điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm theo pháp luật. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với nguyên Giám đốc VQGMCM Trần Quốc Tuấn, do trong thời gian giữ chức vụ giám đốc, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; để rừng bị xâm hại trong thời gian dài; không thông tin báo cáo kịp thời và chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, đồng thời tỉnh đã tiến hành ngay việc củng cố tổ chức, kiện toàn ban lãnh đạo mới cho VQGMCM.
Phó Giám đốc phụ trách VQGMCM Phan Quốc Khải cho biết: Tình trạng chặt phá rừng rất phức tạp, tinh vi. Tuy việc tàn phá rừng không diễn ra ồ ạt, nhưng rừng bị chặt phá rải rác ở nhiều khu vực trong lâm phần, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ. Thường thì ở mỗi khoảnh rừng chỉ bị chặt phá vài chục cây, sau đó dịch chuyển sang khu vực khác cho nên rất khó phát hiện và xử lý. Ðối tượng chặt phá gồm dân địa phương và dân di cư tự do từ nơi khác đến tạm trú làm ăn và thường xuyên lén lút vào rừng triệt phá cây đước về hầm than bán, làm củi và mua bán cây gỗ đước. Trên địa bàn, mỗi ngày đi kiểm tra có thể phát hiện hàng trăm lò hầm than. Ðây là một trong những nguyên nhân đã và đang làm hao hụt tài nguyên rừng ngập mặn ở đây. Ông Sáu Ðông, ở ấp Rạch Mũi, cả đời gắn bó, bảo vệ rừng chia sẻ: lợi dụng địa bàn rộng, nhiều kinh rạch ra vào; trong khi lực lượng tuần tra lại bị động khi nước triều lên xuống cho nên dân vào chặt phá rừng đến khi nước triều lên thì vận chuyển ra ngoài. Do ở đây có ba mặt giáp biển, hơn nữa chung quanh VQGMCM là khu dân cư nên chỉ cần vận chuyển một đoạn ngắn là có thể thoát ra ngoài. Hình thức phá rừng và vận chuyển cây rừng rất đa dạng. Ðể tránh các trạm, chốt kiểm lâm, các đối tượng vận chuyển bằng bè, mỗi bè khoảng 10 đến 15 cây đước hoặc vận chuyển bằng cách kéo bè cây theo xuồng, khi gặp kiểm lâm chỉ cần cắt dây cho bè chìm xuống nước. Cứ thế, mỗi ngày qua đi, rừng VQGMCM lại bị tàn phá nhiều hơn…
Trở lại VQGMCM những ngày này, chúng tôi nhận thấy, các rào cản tại những khu vực dễ ra vào rừng được làm khá hoàn chỉnh, kiên cố. VQGMCM có tổng diện tích tự nhiên gần 42 nghìn ha; trong đó có trên 12,2 nghìn ha rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt; hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú, đa dạng. Với ưu thế này, năm 2010, VQGMCM được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới; tháng 4 năm 2013 được công nhận là Khu Ramsar 2088 của thế giới, khu thứ hai tại đồng bằng sông Cửu Long và thứ năm tại Việt Nam. Dù công tác bảo tồn, bảo vệ rừng luôn được đặc biệt quan tâm nhưng tình trạng người dân lén lút phá rừng lấy gỗ hầm than, mua bán; dùng nhiều dụng cụ, phương tiện khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng, vùng bãi bồi ven biển là rất đáng lo ngại và ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi, tài nguyên rừng. Việc rừng ngập mặn bị chặt phá ngày càng nghiêm trọng gần đây có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do dân di cư tự do; không có nghề nghiệp ổn định, kiếm sống theo thời vụ; chặt phá rừng trái phép…
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Nguyễn Trường Giang cho biết: Hiện nay, có gần ba nghìn hộ dân sinh sống trên đất rừng VQGMCM; phần lớn trong số này là dân di cư tự do không có nghề nghiệp, việc làm ổn định; theo mùa khai khác thủy sản, khai thác tài nguyên dưới tán rừng. Chính điều này đã gây áp lực rất lớn, xâm hại đến tài nguyên rừng, trong khi, ngành chức năng và địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có giải pháp, cách làm hiệu quả. Trước mắt, cần phối hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo vệ rừng. Huyện khẩn trương quy hoạch, xây dựng, bố trí các cụm, tuyến và di dời dân cư phù hợp; hạn chế dân di cư tự do đến sinh sống, tạm trú ven VQGMCM. Ðể hạn chế tình trạng phá rừng, tạo công ăn việc làm cho dân nghèo, gần đây huyện chủ trương sắp xếp, kiện toàn lại các hợp tác xã (HTX) hầm than, nuôi trồng thủy sản, nuôi nghêu… trên địa bàn xã Ðất Mũi; nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng trái phép. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX hầm than cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập do hầu hết xã viên là hộ nghèo, sống bằng nghề chặt cây rừng trái phép hầm than không cần vốn, trong khi tham gia vào HTX cần phải góp vốn… Do đó, huyện chủ trương tạo điều kiện cho những hộ nghèo là xã viên được tiếp cận hỗ trợ, vay các nguồn vốn để mua về nguyên liệu phục vụ sản xuất…
Về lâu dài, việc xây dựng VQGMCM trở thành điểm tham quan, du lịch sinh thái có tính đến việc gắn với dân sinh, người dân thật sự được hưởng lợi là một hướng đi cần thiết để bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Một tin vui đối với bà con nghèo sinh sống trên lâm phần VQGMCM: Sở NN-PTNT xây dựng phương án trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt thí điểm giao khoán cho người dân vừa tham gia bảo vệ rừng, vừa nuôi vọp, ốc len… dưới tán rừng với mục đích chính là bảo vệ được tài nguyên rừng và nâng cao mức sống cho người dân vùng rừng. Một khi người dân sống trên lâm phần có việc làm và đời sống ổn định, lòng dân đã thuận thì công tác quản lý, bảo vệ mầu xanh ngút ngàn của rừng VQGMCM – Khu Ramsar Mũi Cà Mau sẽ tốt hơn.