ThienNhien.Net – Nhiều ngày qua ở khu vực ĐBSCL không có mưa, trong khi nắng nóng gay gắt làm nước bốc hơi nhanh khiến nhiều cánh rừng rơi vào tình trạng khô hạn trầm trọng. Hiện các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… đang dốc toàn lực bảo vệ rừng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy có thể xảy ra.
Diện tích rừng khô tăng từng ngày
Chiều 9-3, chúng tôi về Cà Mau, nơi đang tập trung cao điểm phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2014. Ghé Chi cục Kiểm lâm Cà Mau dù là ngày chủ nhật nhưng công việc trực vẫn đảm bảo xuyên suốt. Thống kê mới nhất, toàn tỉnh có hơn 18.200ha tràm khô kiệt có nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Trong số này, mối lo lớn nhất là khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia U Minh Hạ, hiện có khoảng 3.500ha tràm khô không còn nước dưới chân rừng. Đứng trên tháp canh lửa trung tâm cao 26m của Vườn quốc gia U Minh Hạ chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng dễ nhận ra những vạt tràm xơ xác vì nắng nóng, mực nước dưới các kênh cạn kiệt. Anh Lê Thanh Dũng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm của vườn quốc gia, sốt ruột: “Năm nay nắng nóng dữ quá khiến rừng bị khô nhanh. Dự báo những ngày tới nắng tiếp tục gay gắt, kèm gió mạnh sẽ làm nhiều diện tích rừng bị kiệt nước tăng thêm và nguy cơ cháy sẽ ở cấp cực kỳ nguy hiểm”.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, việc trực ở các chòi canh lửa được đảm bảo xuyên suốt cho tới hết mùa khô. Đưa cho chúng tôi xem bản dự báo cháy rừng, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc công ty, thở dài bởi khô hạn diễn ra nhanh hơn mọi năm. Đến thời điểm này đã có trên 1.500ha tràm do công ty quản lý bị khô hạn nặng, dự báo cháy cấp 3, cấp 4, vì thế việc phòng chống cháy là nhiệm vụ vô cùng cấp bách.
Tại Kiên Giang, nhiều cánh rừng cũng đang rơi vào tầm ngắm của bà hỏa. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, cho biết, trong 77.000ha rừng cần bảo vệ thì đến nay đã có hơn 22.000ha bị khô kiệt, nguy cơ cháy từ cấp 3 đến cấp 5. Đáng lo ngại nhất trong số này là hơn 3.000ha rừng ở huyện đảo Phú Quốc gần như bị khô hoàn toàn, nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết khoảng 12.000ha rừng ở tỉnh cũng đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi nắng nóng khô hạn. Cái khó của An Giang là diện tích rừng bị khô kiệt nằm ở khu vực đồi, núi… điều kiện đi lại khó khăn, cộng với việc dự trữ nước vô cùng nan giải nên rất khó cho công tác chữa cháy.
Dốc sức bảo vệ rừng
Theo Cục Kiểm lâm nhìn nhận, do ảnh hưởng nhiều ngày không mưa, cộng với thời tiết khô hanh kéo dài… đến nay đã có 19 tỉnh có diện tích rừng nguy cơ cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Bên cạnh đó có thêm 12 tỉnh có diện tích rừng nguy cơ cháy cấp 4, cấp nguy hiểm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, trăn trở: “Mỗi năm cứ tới mùa khô là tụi tui rầu thúi ruột bởi nguy cơ cháy rừng đè nặng suốt nhiều tháng liền. Trong đó, lo ngại nhất là 2 Vườn quốc gia U Minh Thượng và Vườn quốc gia Phú Quốc phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu như thời gian qua, Vườn quốc gia U Minh Thượng được đầu tư trên nhiều mặt nên việc tích trữ nguồn nước khá tốt, nhằm giảm áp lực cháy. Riêng ở Phú Quốc thì tình hình vẫn căng thẳng, bởi những cánh rừng nằm ở khu vực núi, không giữ được nước. Với điều kiện của Phú Quốc hiện nay nếu lỡ xảy ra cháy rừng thì lực lượng địa phương rất khó cứu chữa, mà cần sự ứng cứu của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp với những phương tiện hiện đại”.
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho hay, những ngày qua các đơn vị chủ rừng đã đắp hàng trăm đập lớn nhỏ để cố gắng giữ nước; cất 126 chòi canh lửa, dự báo cháy rừng; các chủ rừng còn chuẩn bị 80 máy bơm với trên 63.820m vòi chữa cháy. Song song đó, ngành kiểm lâm phối hợp cùng người dân phát dọn những nơi có vật liệu dễ cháy tạo đường ranh ngăn lửa; xây dựng lực lượng phòng chống cháy rừng hơn 3.800 người tham gia theo phương châm 4 tại chỗ (gồm lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ).
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), cho biết đã huy động gần 500 người cùng nhiều phương tiện phục vụ công tác phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên, cái khó ở Tràm Chim là không chỉ chống cháy cho rừng tràm mà còn có hệ sinh thái đa dạng với 130 loài cá nước ngọt, 132 loài chim, nhiều diện tích lúa ma, năn, cỏ ống… tạo thành hệ sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, tất cả cần được giữ gìn và phát triển.