ThienNhien.Net – Mặc dù ba huyện vùng biển của tỉnh Bến Tre là Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại đã có 17 nhà máy nước với công suất 5-330m3/giờ, nhưng các nhà máy nước này chỉ đủ phục vụ cho hơn 30.000 hộ dân (chiếm khoảng 40% dân số vùng này).
Bởi vậy, mỗi mùa khô, người dân các huyện ven biển của Bến Tre lại phải đối mặt với việc thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt.
150.000 đồng cho 2m3 nước sinh hoạt
Hàng năm, vào mùa khô, những người dân khu vực ven biển của tỉnh Bến Tre luôn phải đối mặt với khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Nhiều nơi, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, nên người dân phải mua nước ngọt để sử dụng.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở ấp Thạnh Thới A, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết: “Ở đây gần biển nên vào mùa khô, nước bị nhiễm mặn, chúng tôi phải đi mua nước ngọt để dùng, một ngày gia đình tôi dùng hết khoảng 200 lít nước. Giếng ở đây khoan sâu thì phèn, khoan cạn thì bị mặn. Nhà tôi có khoan giếng sâu đến 60-70 m nhưng nước ở đây quá đen không dùng được, chỉ rửa tay rửa chân chứ không dùng để ăn uống được.”
Mỗi ngày, dọc các tuyến đường liên ấp thuộc các xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Thạnh Phước (huyện Bình Đại); xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, An Điền (huyện Thạnh Phú) có hàng chục chiếc máy cày ngược xuôi bán nước ngọt cho các hộ gia đình trong khu vực.
Ở một số xã thuộc huyện Bình Đại, nước ngọt được chủ giếng sử dụng máy bơm lấy từ lòng đất lên, vào ao lắng rồi bơm bán cho các chủ xe bồn với giá 10.000 đồng/xe (tương đương hai khối nước). Sau đó, chủ xe bán lại cho người dân trong xã, nơi gần nhất với giá 50.000 đồng/xe, nơi xa nhất khoảng 15km lên đến 150.000 đồng/xe.
Bà Bùi Thị Cười, chủ giếng nước ngọt ở ấp Thạnh Thới Đông, xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) cho biết: “Từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hàng năm ở đây là mùa khô nên nước thường bị nhiễm mặn. Gia đình tôi sử dụng máy bơm lấy nước từ lòng đất lên rồi chở nước đi đổi cho bà con các ấp trong xã có nhu cầu. Mỗi ngày gia đình tôi chở đi đổi khoảng 6-10 thùng (loại 1.000 lít), giá từ 50.000-70.000 đồng/2.000 lít, tùy theo đoạn đường xa hay gần.”
Chị Mai Thị Hồng Ngọc, ấp Bình Huề 1, xã Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại) than thở: “Nước máy ở đây cũng có xài nhưng tuần chỉ có ba bữa, thứ Ba, thứ Năm và Chủ nhật, mỗi khối nước giá 4.800 đồng, nhưng nước cũng không sạch nên gia đình phải đổi nước máy cày 80.000 đồng/xe bồn để nấu ăn, còn nước uống thì đổi bình nước khoáng về để uống riêng.”
Sống ở vùng ven biển, bị ảnh hưởng mặn nên phần đông người dân đã có cách trữ nước mưa để sử dụng, hầu như nhà nào cũng đổ các bể chứa nước mưa dự trữ. Vào mùa nắng, nguồn nước dự trữ này sẽ được dùng để nấu ăn, làm nước uống cho đến mùa mưa năm sau.
Tuy nhiên, những hộ khá giả thì có thể xây bể lớn dùng cho những tháng mùa khô nhưng những người có hoàn cảnh khó khăn chỉ trữ được trong những lu nhỏ và thường phải mua nước ngọt từ đầu mùa khô để sử dụng.
Nâng công suất nhà máy nước
Bến Tre là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, tiếp giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển hơn 65km. Bốn con sông lớn gồm Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc, chia Bến Tre thành ba dãy cù lao với cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hóa.
Do tác động của biến đổi khí hậu, vào mùa khô hạn, nước mặn từ biển Đông xâm nhập càng lúc càng sâu vào đất liền với hơn 2/3 diện tích toàn tỉnh làm nhiễm mặn ở hầu hết sông, rạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt.
Mặt khác, nguồn nước ngầm ở độ sâu từ 40-120m và trên 350-450m tại Bến Tre chỉ có ở một số xã thuộc khu vực giữa của huyện Thạnh Phú và một phần ở Bắc huyện Châu Thành, tuy nhiên chất lượng chỉ tạm sử dụng cho sinh hoạt vì độ mặn đo được từ 0,35-0,8‰, trong khi tiêu chuẩn Bộ Y tế chỉ là 0,3‰.
Theo ông Phạm Trung Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, do biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt ở Bến Tre hiện nay thiếu trầm trọng. Không chỉ vậy, trong mùa khô hạn, nước mặn còn xâm nhập sâu vào nội đồng càng lúc càng mạnh hơn do kênh thủy lợi nội đồng hiện nay chưa được hoàn chỉnh.
Để ứng phó trước tình hình thiếu nước ngọt dùng trong sinh hoạt của người dân, ông Phạm Trung Tính cho rằng: “Giải pháp lâu dài là cần tiếp tục tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ngọt hóa Bắc Bến Tre, vì đây là hồ chứa nước trữ ngọt ngăn mặn trên cả dòng sông Ba Lai; tạo điều kiện để xây dựng nhà máy nước xử lý cung cấp cho nhân dân ở cù lao Bảo và Cù lao An Hóa gồm huyện Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm, Châu Thành và thành phố Bến Tre.”
Ở huyện Bình Đại, hai nhà máy nước sạch Long Định (công suất 60m3/giờ) và Thới Lai (công suất 80 m3/giờ) phục vụ cấp nước cho hơn 5.000 hộ dân.
Riêng nhà máy nước ngọt Ba Lai đến nay đã cung cấp nguồn nước thô cho hơn 1.500 hộ dân các xã Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc sử dụng cho sinh hoạt.
Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện hoàn thành nâng cấp, mở rộng nhà máy nước Tân Mỹ, công suất từ 165m3/giờ lên 330m3/giờ để cùng các nhà máy nước An Phú, Bảo Thuận, An Hòa Tây… phục vụ cho 17.000 dân thuộc 13 xã,thị trấn của huyện Ba Tri.
Song song đó, dự án hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng khu vực Cù lao Minh đã được Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước thô từ huyện Chợ Lách về Thạnh Phú để sớm mang lại lợi ích cho người dân.