ThienNhien.Net – Tại thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, có khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi, rộng 10 ha được bao bọc bởi khu dân cư nhưng tuyệt nhiên không ai dám vào chặt phá. Khu rừng linh thiêng mang tên Miếu Cấm chứa đựng nhiều câu chuyện huyền hoặc
Cách thị trấn Hương An của huyện Quế Sơn khoảng 15 km về hướng Tây, làng Nghi Sơn nằm khuất mình trong thung lũng yên bình. Mới đến đầu làng đã nghe tiếng chim hót vang, cánh đồng lúa xuân đang thì con gái nằm thấp thoáng dưới triền dốc phơi trải như bức tranh. Trong rừng, những gốc cây già sần sùi, rêu xanh bám phủ.
Bí ẩn Miếu Cấm
Ông Đinh Hữu Hoàng, trưởng thôn Nghi Sơn, vừa từ trang trại trở về nhà. Không kịp ăn cơm, chỉ uống xong ly nước chè xanh đặc quánh, ông vội đưa chúng tôi vào khu rừng được xem là báu vật của làng.
Ông Hoàng cho biết theo sách sử của làng, từ khoảng cuối năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân đi “thảo phạt” Chiêm Thành vào tận Phú Yên, người dân ở Đàng Ngoài mà chủ yếu là Thanh Hóa, Nghệ – Tĩnh lần lượt di cư vào khai khẩn vùng đất này, lập làng. Thời gian đầu, vùng đất Nghi Sơn có tên Sơn Đào. Về sau cư dân đông đúc, mở rộng canh tác đổi tên thành Khe Môn xứ. Đến thời nhà Nguyễn, đơn vị hành chính từ tỉnh đến làng được cơ cấu lại, xứ Khe Môn mới đổi thành Nghi Sơn.
Về khu rừng mang tên Miếu Cấm, chẳng biết các tiền nhân thuở trước tính toán thế nào, đất được chọn ra sao mà khu rừng nguyên sinh hơn 10 ha lại nằm lọt thỏm giữa làng. “Có lẽ trong rừng có một ngôi miếu nên được gọi là rừng Miếu Cấm. Ngôi miếu này vô cùng linh thiêng. Cũng chính điều này góp phần vào việc bảo vệ khu rừng” – vị trưởng thôn suy luận.
Sau khi làng Nghi Sơn được đổi tên, các bô lão lập ra bản hương ước làng, trong đó có hương ước về bảo vệ rừng Miếu Cấm: “Dân làng không được tùy tiện vào đốn, chặt cây trong rừng. Mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ và tố giác những ai vi phạm quy định. Người vi phạm tùy mức độ nặng nhẹ sẽ bị phạt từ 1-10 ang lúa” – bản hương ước ghi rõ. Ý thức bảo vệ rừng của người Nghi Sơn là lời giải thích thuyết phục nhất cho sự tồn tại của nhiều cây gỗ quý tay người ôm không xuể như lim, xoan đào, mít nài… trong cánh rừng này. Tuy nhiên, có một điều nữa mà chính những người dân thôn Nghi Sơn cũng không giải thích được, đó là sự “linh thiêng” của rừng Miếu Cấm.
Không biết ngôi miếu giữa cánh rừng có từ bao giờ, chỉ nghe kể rằng sau khi lập làng, các bậc tiền hiền đã xây ngôi miếu thờ để cầu bình yên. Chiến tranh tàn phá, dấu tích của ngôi miếu giờ chỉ còn sót lại 8 trụ cột. Tại chỗ cũ, người dân xây một bệ thờ, còn ngôi miếu được “rước” vào xây dựng khang trang bên trong khu hành chính làng. “Miếu Cấm linh lắm! Tôi nghe kể rằng hồi chiến tranh có tiểu đoàn biệt động quân ngụy vào phóng hỏa đốt rừng. Đang nắng như nung bỗng dưng trời sấm chớp, mưa lớn dập tắt đám cháy ngay. Quân ngụy bỏ chạy khỏi rừng. Ra đến ngoài thì trời vẫn nắng chang chang. Chúng sợ quá từ đó không dám bén mảng vào rừng Miếu Cấm nữa!” – ông Hoàng kể về những câu chuyện lạ.
Một chuyện được nhiều người nhắc đến nhất, sau giải phóng, trong thời kỳ còn bao cấp, chính quyền thôn Nghi Sơn làm thủ tục xin xã chặt một vài cây gỗ bán đối ứng để lấy vốn xây nhà văn hóa của làng. Thế nhưng, khi cây gỗ được đốn hạ đưa lên xe đi được 1 đoạn là chiếc xe bị lật, mỗi lần bốc lên xe là xe lại lật tiếp không thể chở ra ngoài được…
Nhiều câu chuyện kể rằng bất cứ ai vào săn thú, chặt củi đều bị “thần linh” phạt cho một trận đau ốm hay năm đó gặp họa. “Những câu chuyện huyền hoặc về khu rừng Miếu Cấm ấy cứ kéo dài mãi. Tuy chỉ là những lời đồn thổi, chưa ai khẳng định được điều gì nhưng dù thế nào đi nữa, giữ được ngôi rừng thiêng này, dân chúng tôi đã tự hào lắm rồi” – ông Hoàng bộc bạch.
Thắp hương cầu lộc
Tin tưởng vào sự linh thiêng của khu rừng Miếu Cấm, hằng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng giêng, làng Nghi Sơn lại long trọng tổ chức lễ hội Khai Sơn nhằm ghi ơn công đức tiền nhân, dâng hương thần núi cầu mong những điều tốt lành đến với mọi nhà. Lễ hội có quy mô khá lớn và trang trọng không chỉ dân trong làng tham gia mà còn thu hút hàng ngàn người từ khắp nơi kéo đến thắp hương khấn cầu mong năm mới được bình an, may mắn, ăn nên làm ra.
“Dường như người dân vùng này rất tin tưởng vào sự linh thiêng của Miếu Cấm. Hằng năm cứ đến dịp lễ Khai Sơn có hàng ngàn người về tham dự lễ hội để cầu nguyện. Tuy nhiên, không gian làng rộng lớn, lễ hội rất trang nghiêm, không bát nháo như các lễ hội khác” – ông Hoàng cho hay. Để tổ chức lễ hội, các vị bô lão và chức sắc trong làng đã có sự chuẩn bị từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Sáng sớm mùng 8, sau khi các lễ vật được sắp đặt đầy đủ tại bàn thờ sân trước của đình làng, các chức sắc dâng lễ vật lên Miếu Rừng cúng thần, sau đó rước tế văn về lại Đình Cây Bàng và cúng Tiền hiền làng. Phần lễ được bế mạc bằng chương trình bô lão phát thưởng cho những học sinh của làng có thành tích học tập tốt trong năm học trước. Phần hội của lễ hội Khai Sơn kéo dài trong ngày và đêm mùng 8 với nhiều trò chơi dân gian.
“Có lẽ nhờ sự phù hộ của các chư thần nên làng Nghi Sơn rất bình yên, ít khi xảy ra dịch bệnh, tai họa…” – ông Hoàng kết luận.
Đất hiếu học
Ông Đinh Hữu Hoàng cho biết có thể xem Nghi Sơn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, con người nơi đây rất cần cù lao động, chịu thương chịu khó. Nghi Sơn còn là một trong những cái nôi của cách mạng, qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Nghi Sơn đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê, thôn có 119 liệt sĩ, 15 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 1 anh hùng lực lượng vũ trang. Đặc biệt, thôn Nghi Sơn rất hiếu học, hiện tại có 1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, 87 người đã và đang theo học các trường ĐH, CĐ. |