ThienNhien.Net – Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương (Nghệ An), năm 2012 Chương trình xóa nhà tạm ở đây đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên đến nay, nhiều căn nhà gỗ “hoành tráng” vẫn tiếp tục mọc lên. Các chủ hộ khẳng định gỗ làm nhà là từ Chương trình 167!
Gỗ từ Chương trình 167 hay phá rừng?
Lên xã Yên Thắng làm giáo viên cách đây 10 năm, những năm đầu vợ chồng Xoan (xin giấu tên thật) phải ở lều tạm. Sau một thời gian tích cóp tiền bạc, năm ngoái vợ chồng anh đã làm được căn nhà gỗ 3 gian bề thế. Những cột gỗ đường kính gần 40cm, cao hơn 5m “thẳng như ống tơ”, hoành, xà rui… tất tật đều bằng gỗ, phun dầu PU sáng loáng.
Xoan tâm sự: Do diện tích đất của em quá hẹp nên phải cắt ngắn gỗ, tổng số hết hơn 20m3 gỗ, “em gom từ trước chỉ hơn 200 triệu đồng, thời điểm này riêng tiền gỗ phải tròm trèm 300 triệu đồng. Cỡ nhà em chỉ hạng tép riu, các anh vào Yên Hòa, Nga My, nhiều nhà làm 2 tầng, hoành tráng lắm. Gỗ mua của dân xóa nhà tạm theo Nghị định 167 rất dễ”.
Đúng như lời Xoan nói, dọc đường từ thị trấn Hòa Bình, qua Bản Vẽ (xã Yên Na) vòng lên Nga My, xuôi về Yên Hòa, Yên Thắng… hai bên Quốc lộ 48C, có hàng chục căn nhà được làm bằng gỗ.
Vào một hộ dân ở chân cầu Xiềng Líp (xã Yên Hòa), sau tuần trà chủ nhân cho hay: Căn nhà này tuy bằng gỗ, nhưng đến nay đã lạc hậu, tôi đang gom gỗ để làm thêm 1 căn khác “cho các cháu nó ở”. Nói về giá gỗ, anh này cho biết, gỗ gội, trường mật cỡ trên 5 triệu/m3; dổi, de đỏ thì đắt hơn, chỉ cần có tiền thì loại gì, số lượng bao nhiêu cũng có. Sở dĩ “có tiền là mua được” là do người dân được khai thác gỗ để làm nhà 167 “thừa ra” bán!
Ông Nguyễn Trọng Long – Hạt phó Hạt Kiểm lâm Tương Dương cho hay, 90% số xã ở Tương Dương thuộc diện 30A, theo Quyết định 167, người dân được phép khai thác gỗ để xóa nhà tạm. Theo đó, mỗi hộ được phép khai thác 10m3 gỗ tròn để làm nhà. Để lấy gỗ, người dân phải làm đơn nói rõ khu vực xin khai thác, trình UBND xã sau đó xã báo cáo huyện… “Tuy nhiên khi khai thác, nếu thừa ra thì cũng phải để cho bà con tận thu vì “đo bằng mắt thường” là 10 khối, nhưng thực tế khối lượng có thể nhiều hơn” – ông Long nói.
Khó quản lý vì… “cha chung”?
Theo ông Nguyễn Trọng Long, về nguyên tắc mỗi hộ được phép khai thác 10m3 gỗ tròn để xóa nhà tạm. Tuy nhiên khi khai thác, nếu thừa ra thì cũng phải để cho bà con tận thu vì “đo bằng mắt thường” là 10 khối, nhưng thực tế khối lượng có thể nhiều hơn. |
Trao đổi với phóng viên, ông Long cho biết: Tổng diện tích rừng trên địa bàn huyện còn 281.000ha (chiếm ½ diện tích tự nhiên của huyện) do 4 chủ rừng quản lý gồm: Ban quản lý (BQL) rừng quốc gia Pù Mát, BQL rừng phòng hộ Pù Huống, Công ty TNHH một thành viên rừng Tương Dương và BQL rừng phòng hộ Tương Dương.
Trong đó BQL rừng quốc gia Pù Mát trực thuộc UBND tỉnh quản lý. Theo số liệu năm 2013, Hạt Kiểm lâm Tương Dương đã bắt 98 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, thu 265,12m3 gỗ, 1 cưa xăng, 1 kích, 1 balang xích… Tổng số tiền đấu giá gỗ và phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng…
“Tuy nhiên việc khai thác gỗ nhỏ lẻ trái phép vẫn diễn ra nhiều”– ông Long thừa nhận. Theo ông Long, những hộ nghèo rất khó có khả năng khai thác bởi đưa gỗ ra được khỏi rừng không phải việc đơn giản. Có thể do hoàn cảnh, hộ diện 167 đã nhờ con cháu… khai thác giúp! Dọc Quốc lộ 48C, hầu như nhà dân nào cũng có gỗ chất trong gầm nhà (có hộ còn làm lán riêng để chứa gỗ), gỗ khô có, gỗ tươi cũng có. Cứ đà này, bao lâu nữa rừng Tương Dương sẽ “rỗng ruột”? Câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng ở Tương Dương.