ThienNhien.Net – Rừng phòng hộ ven biển Gò Công, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang có diện tích trên 700ha là tấm lá chắn vững chắc trong việc bảo vệ đê điều, bảo vệ sản xuất và đời sống của hàng chục ngàn hộ dân sống dọc tuyến bờ biển dài trên 20km thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền, Vàm Láng, Kiểng Phước, Gia Thuận của huyện Gò Công Đông.
Tuy nhiên, gần đây, biển đang xâm thực mạnh và “nuốt” dần rừng phòng hộ, đe dọa an toàn đê, khiến môi trường và cảnh quan thay đổi, gây lo ngại sâu sắc đến cuộc sống của người dân dọc duyên hải Gò Công.
Xâm thực và tốc độ mất rừng phòng hộ trên toàn tuyến mỗi năm thêm gay gắt đặc biệt là trong mùa khô 2014. Thời điểm mùa khô 2014, ở ven biển Gò Công cũng trùng với mùa gió chướng thổi mạnh nên tốc độ xâm thực của biển khiến đai rừng ngoài đê đã mỏng lại ngày càng càng mỏng hơn. Nhiều nơi không thể chống chọi được với sóng biển và gió biển thổi mạnh, rừng phòng hộ đã bị biển “nuốt” trọn.
Theo ông Lê Đức Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều và rừng phòng hộ (Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão) tỉnh Tiền Giang, chỉ trong bốn tháng mùa khô 2013-2014 (tháng 11/2013 đến 2/2014), trên toàn tuyến bờ biển Gò Công đã xuất hiện thêm nhiều điểm xâm thực mạnh khiến rừng không còn hoặc còn nhưng chỉ có chiều dày đai rừng vài chục mét trở lại, không còn khả năng bảo vệ đê biển và sẽ nhanh chóng bị tàn phá, biến mất trong một thời gian ngắn nữa.
Các điểm rừng phòng hộ bị mất tập trung trên địa bàn xã Tân Điền (Gò Công Đông) với hàng chục điểm. Trong bốn tháng qua, nơi nhiều nhất mất 10m và nơi ít nhất cũng mất 4-5m độ dày đai rừng.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết trước tình hình rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị biển xâm thực, tấn công mạnh, Tiền Giang đã triển khai các công tác khẩn cấp trước mắt như tuyên truyền về công tác trồng rừng và bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý những hành vi xâm hại rừng, xâm hại đê biển; đầu tư kinh phí kè mái đê bằng giải pháp “bêtông tự chèn”… do tiến sĩ Phan Đức Tác đưa ra.
Tính đến thời điểm hiện nay, Tiền Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng kè mái đê biển theo phương pháp “bêtông tự chèn” để bảo vệ đoạn đê xung yếu dài trên 3.500m thuộc xã Tân Điền đã bị mất trắng đai rừng phòng hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư kè mái đê bằng giải pháp trên thêm 2.000m ở đoạn rừng bị xâm thực mạnh mẽ đe dọa tiếp tục bị mất trắng kể trên. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời. Trong tương lai, cần có những giải pháp để đối phó với tình trạng biển “nuốt” dần rừng phòng hộ, khôi phục rừng, trồng rừng gắn với chiến lược tổng thể phòng chống biến đổi khí hậu không chỉ cho riêng Tiền Giang mà cả vùng ven biển Nam Bộ.