ThienNhien.Net – Hà Tĩnh là địa phương hiện có trên 160 điểm còn tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tại 74 xã. Tuy nhiên, việc xử lý khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường vẫn còn rất chậm khiến đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lo sợ vì bệnh ung thư
Theo ghi nhận của PV NTNN tại xóm Trung Trinh (xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà) có trên 30 người mắc căn bệnh ung thư quái ác. Người già hay trẻ nhỏ đều dính bệnh khiến người dân lo sợ.
Chị Nguyễn Thị Lý (43 tuổi) đang rơi vào cảnh khốn đốn khi bố chồng và chồng đều chết vì căn bệnh ung thư. Chưa hết, hai đứa con chị mang trong người căn bệnh vừa ngây vừa dại. Chị Lý ngậm ngùi: “Đứa lớn 20 tuổi rồi mà chẳng biết gì, mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh cá nhân hàng ngày đều nhờ vào tôi. Còn đứa nhỏ 6 tuổi cũng chẳng biết nói, mỗi khi trái gió trở trời là các con lên cơn giật rồi la hét. Tôi chỉ biết ôm các con mà khóc. Rất có thể do nguồn nước giếng gia đình tôi. Nước đục ngầu, ngả màu vàng mùi rất khó chịu, nhưng không dùng giếng thì biết lấy gì ăn sinh hoạt hàng ngày”.
Cũng là nạn nhân của căn bệnh ung thư, ông Dương Hồng Long (59 tuổi) đã mắc bệnh hơn 2 năm nay, chi phí điều trị hết cả trăm triệu đồng nhưng sức khỏe ngày càng yếu. Từ ngày dính bệnh, tóc ông Long đã không còn sợi nào, nói không được rõ, ăn uống khó khăn. Ông Long cho biết thêm: “Ngay sau nhà là kho thuốc sâu vì vậy trong vườn tôi trồng khoai lang khi đào lên củ bị thâm thối, mùi hôi thuốc sâu chứ không như khoai ở những nơi khác. Dân đây giờ uống gì, ăn gì cũng sợ lắm”. Trưởng thôn Trung Trinh, ông Dương Phùng Hưng nói: Trước đây trong thôn có 3 kho lương thực và vật tư nông nghiệp chứa phân bón và thuốc trừ sâu nên đã ngấm vào đất. Giờ đây người dân uống phải nguồn nước nhiễm thuốc sâu nên mắc bệnh ung thư và nhiều căn bệnh quái ác khác.
Không chỉ người dính bệnh, cây trồng cũng bị ảnh hưởng nặng. Trước đây nhiều người dân ở huyện Can Lộc về đây xúc cát để đổ vào ruộng lúa nhà mình nhằm trừ sâu, những nơi dân xúc cát nay thành từng hố sâu, cây trồng lên cũng chết dần chết mòn.
Dân không biết kêu ai
Trưởng thôn Hưng cho biết thêm: “Năm 2007 đã có đoàn về kiểm tra, lấy mẫu nước đi xét nghiệm và khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước giếng, nhiều hộ dân trong thôn tự xây bể để hứng nước mưa để ăn uống nhưng vẫn dùng nước giếng để tắm giặt. Mùa hè, khan hiếm nguồn nước, dân chúng tôi đành phải dùng nước giếng nhiễm thuốc sâu lọc qua rồi ăn uống”.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), hiện cả nước có 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất thuốc BVTV. Từ năm 2011 – 2013, các địa phương đã điều tra khảo sát phát hiện thêm 383 điểm bị ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, điển hình như Hà Tĩnh trên 160 điểm, Quảng Bình 80 điểm…
Đình thắng |
Đến nay, huyện đã hỗ trợ số tiền 24 triệu đồng để xây dựng 3 bể chứa nước sạch cho 3 hộ gia đình trong thôn nhưng hàng trăm hộ còn lại vẫn phải sử dụng nước “bẩn”. Hiện địa phương cũng chưa có phương án nào nhằm hỗ trợ nước sạch cho người dân nơi đây cũng như trợ giúp các gia đình có người mắc bệnh ung thư và những căn bệnh quái ác khác.
Nhiều thế hệ thanh niên trong thôn đi làm ăn xa nay cũng không muốn về vùng đất này sống. Người dân luôn sooống trong thấp thỏm, ai cũng sợ mắc phải bệnh ung thư.
Trước sự cấp bách này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường do ông Lê Đình Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Tuy nhiên, trên 160 điểm còn tồn lưu hóa chất BVTV xử lý rất chậm. Nguyên nhân chính- theo ông Lê Đình Sơn- vẫn là do vai trò, trách nhiệm các sở, ngành địa phương chưa cao, sự phối hợp chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, công nghệ áp dụng trong việc xử lý còn mang tính thử nghiệm. Cùng với đó là do thiếu nguồn kinh phí đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương chưa được bố trí kịp thời. Thời gian tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung đẩy mạnh hơn công tác này.