ThienNhien.Net – Sáng 7/3, tại TP Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo khởi động Chương trình hợp tác của LHQ về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng tại Việt Nam” (gọi tắt là Chương trình UN-REDD) giai đoạn II tại Bình Thuận.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, đại diện các cơ quan, tổ chức Liên hiệp quốc tại Việt Nam, các tỉnh cùng thực hiện Chương trình.
Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt danh mục Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc ngày 23-7-2013 có tổng kinh phí hơn 30,2 triệu USD.
Theo đó, mục tiêu dài hạn là hỗ trợ ngành lâm nghiệp góp phần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tới năm 2020 trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; thực hiện thành công các chiến lược, chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, lâm nghiệp, tăng trưởng xanh và hướng tới phát triển bền vững.
Mục tiêu ngắn hạn là tăng cường năng lực để Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chi trả dựa vào kết quả giảm phát khí thải trong tương lai khi thực hiện REDD+, góp phần thực hiện thành công chương trình hành động quốc gia về REDD+ và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bình Thuận là một trong sáu tỉnh của cả nước được chọn thí điểm thực hiện Chương trình. Đây là một cơ hội đầu tư lớn, là nguồn lực tài chính mới bền vững góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh và là một chính sách khuyến khích đủ mạnh để ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo đã tập trung trao đổi phân tích và đánh giá kết quả thực hiện trong công tác quản lý bảo vệ rừng; phát triển kinh tế – xã hội gắn với quy hoạch, quản lý bảo vệ phát triển rừng; các nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng; các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho các chủ rừng, tăng trữ lượng các-bon rừng; các mô hình cải thiện sinh kế cho cộng đồng sống trong vùng đệm và ven rừng; các hoạt động sản xuất-kinh doanh rừng trồng…
Những kinh nghiệm quý được rút ra trong thực tiễn từ các cơ quan quản lý, các đơn vị chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương, cơ sở sẽ giúp cho Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II ở tỉnh Bình Thuận hoạt động hiệu quả. Góp phần quan trọng vào sự thành công của quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thể hiện qua những thay đổi căn bản và có một cơ sở hạ tầng đáp ứng được các tiêu chuẩn để nhận được chi trả từ cơ chế REDD+ toàn cầu.