ThienNhien.Net – Quốc gia Đông Phi đang tiến hành đánh giá bộ luật bảo vệ các loài hoang dã mới ban hành nhằm tìm ra những kẽ hở cho phép buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã.
Ngày 3-3, William Kipron, Phó giám đốc phụ trách Cơ quan quản lý các loài hoang dã Kenya (KWS) cho biết mặc dù bộ luật mới quy định những án phạt nghiêm khắc đối với kẻ phạm tội song vẫn cần phải xem xét, đánh giá. Ông khẳng định: “Hiện các bên liên quan đang đánh giá bộ luật để các luật sư có thể dự thảo bản mới trong tháng tới”.
Ngày 3-3 hàng năm là ngày được Công ước về buôn bán quốc tế các động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) chọn là ngày tôn trọng và ca ngợi các loài hoang dã. Luật Bảo tồn và quản lý các loài hoang dã năm 2013 của Kenya được thông qua vào tháng 12-2013 và có hiệu lực từ tháng 1 đã quy định những án phạt nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại các loài hoang dã.
Tuy nhiên, Kipron thừa nhận: “Chỉ 75% quy định của luật có tác dụng trong đấu tranh với tội phạm các loài hoang dã. Chúng tôi muốn sửa luật để có một bộ luật toàn diện”. Ông cũng lưu ý việc tội phạm các loài hoang dã có thể lợi dụng các kẽ hở của luật để nuôi tham vọng phạm pháp. Kenya đã giảm được tỷ lệ tử vong ở voi năm 2013 xuống 50% so với năm 2012. Nguyên nhân của voi chết bao gồm voi bị săn bắt và già yếu. Năm 2013, Kenya bị thiệt hại 300 cá thể voi (do bị săn bắt bất hợp pháp) so với 382 cá thể năm 2012.
CITES xếp hạng Kenya nằm trong số tám quốc gia thuộc mức độ đặc biệt quan ngại về mức độ săn bắt voi và buôn bán ngà voi bất hợp pháp.
William Kipron khẳng định quần thể voi ở Kenya ở mức ổn định, xấp xỉ 40.000 cá thể. Tuy nhiên, quần thể tê giác ở quốc gia Đông Phi này đang bị đe dọa nghiêm trọng do nhu cầu lớn về sừng. Theo KWS, Kenya đã bị thiệt hại 50 cá thể tê giác (năm 2013) so với 30 cá thể tê giác (năm 2012).
Kenya là đất nước có những sinh cảnh tự nhiên vô cùng đa dạng từ rừng ngập mặn, các bờ biển tới các khu rừng nhiệt đới, tạo nên sự kết nối các di sản của Kenya và thế giới.
Giáo sư Judi Wakhungu, Thứ trưởng Bộ Môi trường Kenya cho rằng lịch sử bảo tồn các loài hoang dã đã hình thành tại đất nước này trước khi giành được độc lập. Hiện chính phủ Kenya đang quản lý hơn 50 vườn quốc gia và khu bảo tồn và trong thời gian tới cộng đồng và các cá nhân sẽ thành lập các khu bảo tồn tư nhân.
Bà Wakhungu khẳng định: “Điều này sẽ tạo mối quan tâm và liên hệ của cộng đồng trong bảo tồn và quản lý các loài hoang dã trên rừng, dưới biển”. Vị Bộ trưởng này cũng cho biết Kenya là quốc gia châu Phi được thiên nhiên ưu đãi với 25.000 loài động vật và 7.000 loài thực vật.
Tuy nhiên, thách thức chính mà Kenya đang phải đối mặt là 75% các loài hoang dã tồn tại ở ngoài các khu bảo tồn. Sự gia tăng dân số đã làm tăng nhu cầu về sử dụng đất và gia tăng sức ép lên các loài hoang dã.
Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của con người đã làm khô kiệt các vùng đất và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái của các loài hoang dã, bao gồm ngăn chặn và chia cắt các tuyến đường di cư.
Richard Lesiampe, Bộ trưởng Môi trường lực lượng liên ngành triệt phá nạn săn bắt bất hợp pháp đã được thành lập và đi vào hoạt động. Các cuộc điều tra sẽ được thực hiện triệt để nếu hoạt động săn bắt bất hợp pháp được các nhân viên kiểm lâm tiếp tay. Ông khẳng định: “Chúng ta nên nhận thức giá trị nội tại của các loài hoang dã cũng tương tự như các giá trị kinh tế và lợi ích xã hội.
Patrick Omondi, Phó giám đốc KWS cho rằng Kenya cần xây dựng các sinh cảnh mới nhằm bảo đảm cho sự phát triển của quần thể các loài hoang dã bởi sự suy giảm chất lượng môi trường hiện nay đã ảnh hưởng tới sinh cảnh sống của các loài hoang dã.