ThienNhien.Net – Thực hiện chương trình phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người dân, tỉnh Tuyên Quang tích cực triển khai chương trình 327, dự án 661, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng… Đã có hàng nghìn hộ dân có cuộc sống ấm no từ rừng, song vẫn còn không ít lo lắng trong triển khai chính sách.
Người trồng rừng có tư liệu sản xuất
Thực hiện Thông tư số 38 năm 2007 của Bộ NN-PTNT về công tác giao rừng, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành dự án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng SX gắn với giao đất lâm nghiệp.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, TP xây dựng phương án thí điểm giao rừng trồng thuộc chương trình 327 và dự án 661 chuyển rừng SX sau quy hoạch phân 3 loại rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp tại một số xã. Đồng thời UBND các huyện, TP cũng xây dựng cơ chế hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao diện tích rừng trồng thực hiện bằng 100% nguồn vốn ngân sách Nhà nước thuộc chương trình 327 và dự án 661.
Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển kinh tế lâm nghiệp từ năm 1999 – 2010 trung bình mỗi năm Tuyên Quang trồng mới được hơn 8.500 ha rừng. Tổng diện tích rừng toàn tỉnh đã trồng trong hơn 10 năm là trên 102.200 ha. Qua đó đã thay đổi tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu loài cây trồng và các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng và tăng khả năng thành rừng.
Riêng năm 2013, Tuyên Quang trồng được 13.788 ha rừng. Tỉnh cũng đã phê duyệt đấu giá rừng tại 90 xã, tổng diện tích trên 3.700 ha, tổ chức đấu giá được hơn 2.300 ha, giao rừng được hơn 8.600 ha trên địa bàn 103 xã, đạt 90,3% kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Tuyên Quang cho biết, từ năm 2000 trở lại đây việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phương thức trồng rừng bằng các loài cây bản địa đã được áp dụng, tăng số năm đầu tư chăm sóc, điều chỉnh mật độ trồng rừng hợp lý… phù hợp với đặc tính sinh thái, điều kiện tự nhiên nên chất lượng và khả năng thành rừng tăng lên rõ rệt. Trung bình hàng năm, qua những dự án, các Cty lâm nghiệp đã thực hiện chăm sóc hơn 11.000 ha rừng.
Việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc có thể phát triển hơn nữa nhưng nếu người dân không được làm chủ tư liệu SX (đất lâm nghiệp) thì sẽ không thể an cư, lạc nghiệp. Kinh tế rừng sẽ khó có thể được nâng cao nếu không có nguồn lực của người dân trong quản lý và bảo vệ.
Xác định rõ vấn đề này, những năm qua tỉnh Tuyên Quang đã triển khai hàng loạt các chính sách sát với tình hình thực tế bản địa và nhu cầu của người dân. Nhờ đó đã có hơn 75.000 lượt lao động có thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp, trên 8.000 hộ nghèo được tham gia các chương trình dự án và có hàng nghìn triệu phú trồng rừng.
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Lương Xuân Lai, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá) có hơn 10 ha rừng; hộ ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Thái Sơn Đông, xã Đại Phú (Sơn Dương) trồng 20 ha; hộ ông Nông Văn Thạch ở thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) trồng gần 10 ha…
Cần chính sách hợp lý
Tuyên Quang có gần 450.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở hầu hết các huyện, TP, trong đó có 47.000 ha rừng đặc dụng, hơn 127.120 ha rừng phòng hộ, gần 273.000 ha rừng SX, chiếm 61% diện tích. Tuyên Quang cũng là một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước về độ che phủ rừng. Tuy nhiên, để kinh tế rừng phát triển mạnh mẽ, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa của các cấp ngành.
Theo ông Nguyễn Văn Minh thì việc giao đất giao rừng vẫn có những khó khăn như tổ chức thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa cao; nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản chưa chủ động ban hành quy chế, chính sách và tổ chức đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp có mặt còn hạn chế, thậm chí có nơi còn buông lỏng, sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương chưa chặt chẽ…
Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương ở các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn… công tác triển khai giao đất, giao rừng gắn với bảo vệ phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Người dân vẫn chưa thực sự thấy được lợi ích của cây rừng đem lại, trong khi đó thời gian được thu hoạch kéo dài (7 – 10 năm) chưa có cơ chế chính sách phù hợp và thuận lợi để lấy ngắn nuôi dài. Không những thế, hiệu quả kinh tế từ rừng trồng sau thu hoạch chưa cao.
Ông Phạm Đức Tuyên, thôn Tân Tiến, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương cho biết, gia đình có hơn 1 ha rừng, bản thân ông gắn bó với nghề thu mua gỗ nguyên liệu gần 10 năm nay nên hiểu rất rõ tâm lý của người trồng rừng.
Hiện nay so với trồng các cây ngắn ngày như sắn, cây màu thì hiệu quả kinh tế rừng/năm chưa thật sự cao. Hơn thế nữa, vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, DN với người nông dân nên chưa thật sự tạo được niềm tin vững chắc cho người dân trồng và gắn bó với rừng.
Ông Lê Xuân Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Dương cho biết, mấy năm trở lại đây việc triển khai trồng rừng tại một số địa phương trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn. Các xã Thượng Ấm, Phúc Ứng… tỷ lệ trồng thường đạt rất thấp so với kế hoạch giao.
Các nhà máy, cơ sở chế biến chậm ban hành các cơ chế chính sách phát triển vùng nguyên liệu, phát triển SX; việc ứng dụng KHCN lâm nghiệp, đầu tư thâm canh tăng năng suất còn hạn chế; nhận thức của một bộ phận làm nghề rừng về giống tốt chưa cao…
Về giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp giai đoạn 2013 – 2015, tỉnh Tuyên Quang dự kiến thực hiện giao trên 276.000 ha rừng, áp dụng định mức lao động trong giao rừng theo Quyết định số 112/2008/QĐ-BNN ngày 19/11/2008 của Bộ NN-PTNT thì nhu cầu kinh phí thực hiện giao rừng cần khoảng trên 220 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí cần rất lớn, trong khi muốn bảo vệ và phát triển rừng bền vững thì điều kiện tiên quyết là phải thực hiện giao rừng cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, giảm kinh phí đầu tư của nhà nước cho công tác bảo vệ rừng.
Các năm qua, nguồn ngân sách Trung ương quy định được sử dụng không quá 5% tổng kinh phí đầu tư từ chương trình 327, dự án 661 là rất thấp. Trung bình tổng vốn đầu tư của Trung ương cho lâm sinh khoảng 15 tỷ đồng/năm, nếu tính 5% thì 1 năm chỉ được dành khoảng trên 700 triệu để giao được khoảng 700 ha rừng/năm, trong khi khả năng cân đối ngân sách địa phương còn hạn chế, nên nhiệm vụ giao rừng chưa thực hiện được theo kế hoạch.
Kinh tế rừng đang dần khẳng định được vai trò và thế mạnh trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, để họ thêm gắn bó, sống và làm giàu từ nghề rừng, cần có chính sách khoa học, hợp lý, cần liên kết chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo người nông dân không chỉ là chủ rừng mà còn làm giàu và gắn bó lâu dài, bền vững với lâm nghiệp. |