ThienNhien.Net – Diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam ước tính phải mất hàng trăm năm nữa mới làm sạch hết, dự trù kinh phí lên đến 10 tỷ USD.
Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc trung tâm xử lý bom mìn, Chánh văn phòng Cơ quan thường trực 504 – cơ quan nhà nước trực tiếp khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh – cho hay áp lực thời gian và kinh phí về việc giải quyết một trong những vấn đề hậu chiến tranh còn lại.
Cơ quan của ông sẽ chia sẻ cách thức giải quyết tại một hội nghị với các nhà tài trợ chương trình “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” do Tổng cục Chính trị – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504 tổ chức vào ngày 14/3 tới.
Theo số liệu của dự án “Điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc” với 49/63 tỉnh đã nhập xong dữ liệu, hiện có 7.645/8.683 xã chiếm 88% số xã bị ô nhiễm bom mìn, với 7,1 triệu ha đất bị ô nhiễm, chiếm 29% tổng diện tích đất của 49 tỉnh.
Để làm sạch số diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, Việt Nam cần khoảng 10 tỷ USD và thời gian kéo dài hàng trăm năm.
Để huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tháng 4/2010, Thủ tướng đã ký quyết định số 504 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015.
Kết quả cho thấy, diện tích rà phá bom mìn hàng năm được tăng lên đáng kể, từ 20.000 ha/ năm giai đoạn 1999-2010 lên 50.000 ha năm ngoái.
Bên cạnh đó, Chính phủ một số nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hỗ trợ đáng kể về kinh phí, trang bị và nâng cao năng lực trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, như Mỹ đã hỗ trợ trang bị trị giá khoảng 10 triệu USD, Nhật Bản đã tài trợ một số thiết bị máy cắt cây, phá mìn trị giá 11 triệu USD…
Thiếu tượng Phạm Quang Xuân – Phó trưởng ban thường trực 504, Tư lệnh Binh chủng Công binh cho hay, việc khắc phục hậu quả sẽ ưu tiên những khu vực bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là các vùng giáp biên giới như Hà Giang, Lạng Sơn và 6 tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi.