ThienNhien.Net – Nhận định ban đầu của đoàn giám sát UB kinh tế của QH: Hai dự án bauxite là Tân Rai và Nhân Cơ được Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vay nước ngoài 600 triệu USD được Chính phủ bảo lãnh, đang gặp phải nhiều lo ngại với việc trả nợ theo kế hoạch khi doanh nghiệp hiện vẫn đang bị lỗ và dự kiến sẽ còn bị lỗ trong 5-7 năm nữa.
Nợ công hay nợ của doanh nghiệp?
Theo Vinacomin, tính đến ngày 31-12-2013, tập đoàn này đã xuất khẩu được 160.340 tấn alumin cho các công ty của Thụy Sỹ, Hong Kong (TQ), Hàn Quốc, Singapore. Tiêu thụ trong nước 844 tấn alumin và 3.840 tấn hydroxit nhôm. Điều lạc quan theo Vinacomin chính là việc hiện tập đoàn đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với công ty Marubeni (Nhật Bản), công ty nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Năm 2014, dự kiến khai thác bauxite, sản xuất và tiêu thụ alumin khoảng 540 nghìn tấn, hydrat 2,4 nghìn tấn. Khả năng tiêu thụ sản phẩm alumin của hai dự án, sản lượng tối đa của hai dự án được dự đoán khoảng 1,3 triệu tấn là hiện thực và khả quan. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn này cũng thẳng thắn: trong 6 -7 năm đầu hoạt động, nhà máy có thể sẽ phải chịu lỗ kế hoạch với giá trị khoảng hơn 2.400 tỷ đồng do phải chịu lãi suất vay và khấu hao cao. Càng lo ngại hơn, khi vừa qua Vinacomin tiếp tục tăng tổng mức đầu tư hai dự án lên 35%, khiến tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế-xã hội đem lại càng bất tương xứng.
Chính sự đầu tư với số tiền “kếch xù” được ưu đãi về thuế, lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng hiệu quả đem lại chưa tương xứng khiến không ít lo ngại. Vì vậy, hiệu quả của hai dự án này được giám sát bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bàn về số tiền 600 triệu USD, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tính rủi ro tài chính của hai dự án này rất cao. Con số 600 triệu USD của Vinacomin vay nước ngoài phục vụ đầu tư dự án do Chính phủ bảo lãnh, số tiền này đã thuộc nợ công chứ không chỉ thuộc phạm vi của dự án hay của Vinacomin.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng cũng cho rằng, cần phải xem xét, đánh giá thật cẩn trọng công nợ đối với hai dự án này. Theo ông Hùng, Bộ Công thương tính rằng đến năm thứ 8 thì có lãi, 13 năm hoàn vốn, nhưng hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho Bộ Công thương tính tiếp phương án để hiệu quả sát thực tế hơn. “Chúng tôi đã đưa ra cảnh báo dự án này không thể mạo hiểm”, ông Hùng nói.
Dẫu rằng, cơ quan chủ quản – Bộ Công thương khẳng định, Vinacomin đã có kế hoạch trả nợ khoản vay này, nhưng theo ông Lê Nam, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, việc trả nợ có thể bảo đảm theo kế hoạch không khi mà doanh nghiệp hiện vẫn đang bị lỗ và dự kiến sẽ còn bị lỗ trong 5-7 năm nữa.
Lo hiệu quả kinh tế và an toàn hồ chứa bùn đỏ
Sự lo lắng không dừng ở mức độ nợ công mà còn vấn đề liên quan đến môi trường. Còn nhớ, trong 2 ngày (10 và 11-2), khi đến thăm và làm việc tại hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu, Vinacomin phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho khu vực chứa bùn đỏ bằng cách xây dựng thêm khoang bùn đỏ thứ ba để dự phòng trường hợp xảy ra sự cố và tăng cường giám sát bằng camera để sớm phát hiện bất thường trong quá trình vận hành. Đối với công tác xây dựng nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, công trình hồ chứa bùn đỏ, công trình cung cấp nước cho nhà máy tuyển quặng bauxite, khu vực tuyển quặng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị, chủ đầu tư cần phối hợp với các Bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương làm tốt việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ, đảm bảo môi trường; khai thác quặng đến đâu phải hoàn thổ đến đó bằng cách trồng cây xanh và phát triển nông nghiệp bền vững; các hạng mục xây dựng nhà máy sản xuất alumin phải đảm bảo chất lượng, an toàn trong lao động và tiết kiệm.
Vấn đề quan trọng nhất của hai dự án trên chính là hiệu quả kinh tế- xã hội, nhưng vấn đề này phải được nhìn trên phương diện rộng. Nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc: Trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm, cả nước khó khăn, việc đầu tư một lượng vốn lớn cho hai dự án này cũng đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Nếu không vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của Tây Nguyên, từ đó góp phần phát triển đất nước thì có thể, nguồn vốn cho hai dự án này đã được tính toán đầu tư theo hướng khác. “Chính vì thế, hiệu quả thực hiện hai dự án này không thể chỉ đo đếm bằng những con số lỗ, lãi tài chính thuần túy mà quan trọng hơn là hiệu quả tổng thể về kinh tế – xã hội, về an ninh, quốc phòng như thế nào?”-ông Phúc đặt vấn đề, đồng thời cho rằng: “Cần phải tính toán cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và địa phương như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra khi chúng ta quyết định khai thác tài nguyên bauxite ở Tây Nguyên”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo các Bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, các cơ quan và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng thi công để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hai dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ. Theo chỉ đạo, dự án Alumin Tân Rai phải hoàn thành công tác quyết toán chậm nhất trong tháng 12-2014; đảm bảo an toàn hồ chứa, tuyệt đối không để nước nhiễm kiềm phát tán ra ngoài môi trường; xây dựng thêm các trạm quan trắc tại khu vực chứa bùn đỏ. Đối với dự án Alumin Nhân Cơ, việc chạy thử phải được thực hiện vào đầu quý 3; hồ bùn đỏ phải hoàn thành xong trong tháng 6-2014. |