ThienNhien.Net – Theo báo cáo, người dân ở khu tái định cư Thủy điện Đăk Đrinh (xã Đăk Nên, Kon Plông, Kon Tum) đã ổn định cuộc sống, song thực chất đến nay, người dân vẫn chưa có đất sản xuất….
Có nhà, dân vẫn thích ở… chòi
Thôn Đăk Lai, xã Đăk Nên có 52 hộ dân sống ở 3 xóm nhỏ, được chủ đầu tư cam kết sẽ chia từ 800-1.000m2 đất ở và vườn cho mỗi hộ, song đó chỉ là lời hứa hão. Xóm của nhà ông Đinh Văn Thình – Phó thôn có 9 hộ dân, nhà cửa chen chúc nhau trên một quả đồi nhỏ. Ông Thình bảo: “Mình có cảm giác cứ bước ra khỏi cửa đã đụng ngay người khác. Mình có 5 con bò nhưng chẳng có chỗ nào để nuôi nhốt đành phải đưa lên núi ở. Những nhà quanh đó, heo “chung sống với người”.
Trên đường từ Đăk Lai về trung tâm huyện, chúng tôi gặp hơn chục nóc nhà ven Tỉnh lộ 676. Thấy chúng tôi có vẻ không hiểu, một cụ già hằn học: “Tao thích ở đây thì đã sao?”. Cụ lăm lăm con dao trên tay, vẻ mặt hằn học ngồi chuốt từng sợi mây để làm bẫy chuột. Mấy thanh niên ở cái chòi bên cạnh không mặn mà, buông lời: “Các ông hỏi có giải quyết được gì không? Cái nhà chút xíu họ bảo làm đến 450 triệu đồng. Chừng đó tiền để dân tự xây được 3 cái nhà to hơn. Ở trong đó làm gì?”.
Cách đó vài bước chân, vợ chồng ông A Giỏ với 7 con cháu túm tụm trong một căn chòi. Ông A Giỏ nói: “Nó tự xây nhà lên rồi ép dân về ở. Sao hồi nó làm không thèm hỏi dân một tiếng? Tao không thích nhà đó, thà ở đây sướng hơn. Chỗ nhà mới xa cái rẫy quá, ở đó đi làm không nổi”.
“Đói thì ra rừng”
Vợ chồng bà Y Lang người 50, người 60 tuổi (thôn Đăk Lai) nhưng đã già yếu, lọm khọm. “Già không có lương, không có tiền, ốm đau chẳng có được viên thuốc. Già yếu lắm rồi, nhưng đói thì cũng ráng ra ngoài suối kiếm cái rau rừng mà ăn”- bà Y lang phàn nàn.
Ông Đặng Thanh Nam- Phó Chủ tịch huyện Kon Plông cho biết hiện có 21 hộ không chịu nhận nhà tái định cư dù ban đầu đã ký cam kết. Hiện huyện đã vận động và quy hoạch chỗ mới cho dân. Đối với những nhà không đủ diện tích đất tái định cư, huyện sẽ cấp bù khi chia đất tái định canh. |
Gần 2 giờ chiều, nhà A Buốc mới ăn cơm trưa. Bữa cơm sau một ngày lao động cực nhọc chỉ có cơm và mớ chuối rừng xào với mấy lát thịt mỡ. Đất cũ ngập hết, họ phải leo tít trên đồi phát rẫy trồng sắn. Gạo thì đã được cấp hàng tháng nhưng thức ăn đắt đỏ, họ chẳng có tiền để mua…
Đăk Lai cũng như các thôn tái định cư khác của xã Đăk Nên, đa phần người dân không còn đất sản xuất. Những hộ như bà Lang chỉ ngồi chờ nhận gạo hỗ trợ rồi hái rau rừng về ăn. Vợ chồng A Trần có đến 5 đứa con, đứa lớn mới 16 đã lấy chồng sinh con. Gần chục miệng ăn trong nhà nhưng họ cứ quanh quẩn suốt ngày chẳng biết làm gì. Nhà nào được bồi thường đất cũ nhiều thì cứ ngắt dần ra bán ăn. Còn những nhà như A Trần thì chỉ biết nghe chủ đầu tư nói đang khai hoang chuẩn bị chia đất cho dân, nhưng chờ mãi không thấy.
Ông Nguyễn Thanh Lợi- Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết: Đất tái định canh đã quy hoạch xong và đang xây dựng thủy lợi. Dự kiến, mỗi hộ dân sẽ được chia 4 sào đất lúa và 1ha đất rẫy. Báo cáo của huyện cho thấy, công tác tái định canh chỉ mới thực hiện xong phần thiết kế, thẩm tra; việc đền bù chỉ mới đạt khoảng 50%…
Khu tái định cư Thủy điện Đăk Đrinh có 196 hộ, 843 nhân khẩu. Tháng 8.2013, trong khi khu tái định cư chưa làm xong thì thủy điện đã tích nước, buộc chính quyền phải khẩn cấp di dời dân.