ThienNhien.Net – Theo Tổ chức WildAid (Cứu trợ hoang dã), hiện nay có tới 90% sừng tê giác lưu hành trên thị trường Việt Nam là sừng giả.
Dù vậy, chỉ cần 10% lượng tiêu thụ sừng tê giác thật đã có thể tác động rất lớn tới sự tồn vong của loài vật này và không có lợi cho sức khỏe.
Đây là thông tin được ông Peter Knights, nhà sáng lập và là Tổng Giám đốc của Tổ chức WildAid cho biết vào chiều ngày 3/3, trong buổi họp báo lễ công bố Chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác: “Không có người mua – Không còn kẻ giết”.
Tổ chức WildAid, Quỹ hoang dã Phi châu (African Wildlife Foundation) và Trung tâm CHANGE phối hợp tổ chức buổi họp báo lễ công bố chiến dịch này nhằm tăng cường ý thức của người dân không sử dụng sừng tê giác. Đây là hành động để góp phần bảo vệ loài động vật hoang dã này trên thế giới.
Chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác tập trung vào hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới là Việt Nam và Trung Quốc.
“Năm 2011, tê giác Java Việt Nam đã chính thức được công bố tuyệt chủng khi cá thể cuối cùng bị thợ săn giết chết và cưa sừng”, Tiến sĩ Patrick Bergin, Tổng Giám đốc Quỹ hoang dã Phi châu, nhấn mạnh. “Chúng tôi mong người Việt sẽ chấm dứt sử dụng sừng tê để bảo đảm rằng các loài tê giác Phi châu sẽ không phải hứng chịu thảm họa tương tự trước khi quá muộn”.
Nạn săn bắn tê giác đã tăng kỷ lục với 1.004 cá thể bị giết để lấy sừng được ghi nhận tại Nam Phi trong năm 2013. Báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường Nam Phi cho biết, từ đầu năm 2014 đến ngày 26/2/2014, đã có ít nhất 146 tê giác bị giết hại, một sự tương phản quá lớn so với con số 13 cá thể bị giết trong cả năm 2007.
GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch hội các ngành sinh học cho hay, sử dụng sừng tê giác không thể chữa được ung thư, giải say rượu, cường dương… Hơn nữa, khi săn bắt hoặc ăn cắp sừng tê giác tại các viện bảo tàng, sừng tê giác đã bị tẩm một loại hóa chất rất độc hại mà nếu sử dụng có thể gây nhiễm độc và tử vong.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ chiến dịch đầy ý nghĩa này thông qua các kênh phương tiện đại chúng để góp phần thay đổi hành vi, bổ trợ kiến thức pháp luật cho người dân về các loài động vật nguy cấp, đồng thời cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ những loài này vì sự cân bằng của hệ sinh thái Trái Đất.