ThienNhien.Net – Được đầu tư dự án nước sạch, người dân các xã thuộc huyện Núi Thành, Quảng Nam vẫn chịu cảnh bỏ tiền ra mua nước bẩn từ dự án nước sạch…
Bỏ tiền mua nước bẩn…
Để đầu tư cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng đông xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, vào năm 2012, dự án công trình nước tự chảy đã được khởi công tại thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2.
Đơn vị thực hiện là Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam (thuộc Sở NNPTNT Quảng Nam), với tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng. Giữa năm 2013, dự án chính thức đưa vào vận hành, cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Những ngày đầu, phần lớn người dân vui mừng bỏ tiền mua sắm, tu bổ lại hệ thống đường ống cũ, đăng ký sử dụng nước sạch lâu dài. Không ngờ qua vài tháng sử dụng, nguồn nước chuyển màu trong thành đục…
Ông Mai Văn Năng (trú tổ 4, thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân 2) than phiền: “Gia đình tôi đã bỏ tiền trang bị đường ống, vòi nước máy, mỗi tháng cả nhà sử dụng 6-7m3 nước (theo đơn giá 4.500 đồng/m3).
Tháng nào cũng phải trả tiền nhưng chất lượng nguồn nước rất tệ, nước đục ngầu, có vị mặn và mùi hôi của rong rêu. Mang tiếng là nước của hệ thống hợp vệ sinh nhưng chúng tôi chỉ dùng để rửa ráy, tắm giặt, còn nấu nướng phải mua nguồn nước đảm bảo từ các nơi khác về”.
Theo quan sát của chúng tôi, tại làng Vĩnh An bên cạnh những vòi nước lắp đặt cố định, người dân còn mua bồn nước dung tích 500 lít để chứa nước sạch mua từ nơi khác về dùng. Tại làng có dịch vụ vận chuyển nước sạch di động với giá 60.000 đồng/thùng 500 lít. Tình trạng này còn xảy ra với 500 hộ dân các thôn khác, như An Đông, Bà Bầu, An Khuông, Phú Khuê Đông…
Do dùng nước quá… tiết kiệm?
Ông Trần Thanh Xuân -Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, cho biết: “Toàn xã có khoảng 800 hộ dân dùng nước sạch từ dự án cung cấp nước sạch do Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam xây dựng. |
Trước phản ánh của người dân về hệ thống nước sạch bị ô nhiễm, UBND xã Tam Xuân 2 đã kiểm tra và nhiều lần kiến nghị đến các ngành có liên quan bàn cách giải quyết. Đơn vị chủ đầu tư đã về kiểm tra nguồn nước và hứa sẽ khắc phục. Thế nhưng, đến nay mọi việc vẫn chưa được khắc phục, khiến người dân phải bỏ tiền ra mua nước…”
Theo ông Lê Văn Dũng, hiện đơn vị đã lấy mẫu nước ở hai đầu mối về kiểm nghiệm chất lượng. Muốn khắc phục triệt để, cần thay mới toàn bộ đường ống cũ ở đoạn cuối, nhưng kinh phí hơn 3 tỷ đồng chưa biết lấy đâu ra.
Ngày 28.2, làm việc với phóng viên NTNN, ông Lê Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam, chủ đầu tư công trình, giải thích: Công trình xây dựng bằng tiền chương trình mục tiêu quốc gia, sử dụng lại phần lớn đường ống của hệ thống hạng mục cũ do Tổ chức Đông – Tây hội ngộ đầu tư.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước 60%, còn lại nhân dân đóng góp. Sau khi nhận thông tin về nguồn nước ô nhiễm, đơn vị đã tổ chức kiểm tra. Nguyên nhân chất lượng nước không tốt là do đường ống cũ, một số đoạn bị hư hỏng gây nên tình trạng bùn đất bu bám vào, đã nhiều lần khắc phục nhưng không hết.
Ngoài ra, việc thi công mở rộng Quốc lộ 1A đã khiến đường ống dẫn nước vỡ nát, nhiều khu vực không đưa được nước đến. Trong khi đó, ý thức sử dụng nước máy của người dân khu vực nông thôn chưa tốt, “tiết kiệm” quá mức nên việc thu tiền cước thấp hơn chi trả tiền điện phục vụ bơm nước.