ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Anh cho biết tình trạng ong chết hàng loạt tại châu Âu và các khu vực khác trên thế giới sẽ kéo theo hệ quả tiêu cực đối với hệ sinh thái trên Trái Đất và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra.
Nguyên nhân đầu tiên gây bệnh cho đàn ong là nhiễm dịch từ bọ cánh cứng. Năm 1998, lần đầu tiên Mỹ ghi nhận trường hợp đàn ong nhiễm dịch từ loài bọ này. Trước đó, bệnh dịch này chỉ có ở Nam Phi, sau lan rộng sang cả Mỹ, Mexico, Australia và trở thành thảm họa đối với người nuôi ong. Nguyên nhân thứ hai đó là ve và ruồi ký sinh. Chúng thâm nhập vào cơ thể của ong và ăn từ bên trong ruột ong ra ngoài khiến con ong bị yếu dần, sinh ra ong con tàn tật, mất khả năng điều hướng trong không gian và cuối cùng chết vì đói. Bên cạnh đó, những loại bệnh của ong nhà có thể lây lan sang ong nghệ, ong vò vẽ và các loài côn trùng thụ phấn tự nhiên cho cây do hút mật trên bông hoa mà ong bị nấm hay virus đã đậu lên trước đó.
Theo các nhà khoa học, con người đã gây ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của loài ong do việc thuần hóa ong để khai thác sản phẩm từ ong (mật ong, sáp ong…) đã khiến chúng quên đi bản năng tự tồn tại, thích nghi với tự nhiên và khả năng miễn dịch với ký sinh trùng và virus như tổ tiên của chúng 50 triệu năm về trước. Ngoài ra, mạng điện thoại di động hay những đường dây tải điện cũng phá vỡ hệ sinh thái, gây tác động tiêu cực đối với loài ong.
Theo thống kê trong 10 năm qua, 90% ong hoang dã và ong nuôi ở Mỹ đã chết, và con số này ở Anh là hơn 50%. Ong chết hàng loạt đã khiến sản lượng cây ăn quả tại Mỹ giảm mạnh, đặc biệt là táo và hạnh nhân. Tình trạng ong chết hàng loạt còn gây tác động tiêu cực đến hành tinh của chúng ta do 80% thực vật cỏ hoa trên thế giới được thụ phấn bởi côn trùng. Hiện nhiều chủ trang trại của các quốc gia trên thế giới phải thuê công nhân dùng bàn chải thụ phấn nhân tạo. Tuy nhiên, không thể đủ nhân công để thụ phấn cho tất cả mọi bông hoa.