Khỉ Borneo mất hơn 1/10 nơi cư trú chỉ trong 1 thập kỷ

ThienNhien.Net – Trong vòng 10 năm từ năm 2000 – 2010, 4 loài khỉ bản địa ở Borneo đã mất đi 13% phạm vi cư trú. Đây là kết luận của một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Biodiversity & Conservation.

Khỉ lá đỏ (Presbytis rubicunda) ở Tây Kalimantan
Khỉ Presbytis rubicunda ở Tây Kalimantan

Nghiên cứu do ông David A. Ehlers Smith thuộc trường Đại học Oxford Brookes (Anh) cùng nhóm cán bộ thuộc trường Đại học Palangka Raya (Indonesia) tiến hành đã khai thác dữ liệu về vùng phân bố của khỉ Sarawak (Presbytis chrysomelas), khỉ trán trắng (Presbytis frontata), khỉ Hose (Presbytis hosei) và khỉ đỏ (Presbytis rubicunda), sau đó kết hợp với thông tin về loại hình rừng mà các loài khỉ này cư trú để đánh giá và đưa ra kết luận.

Hai mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường sống của các loài khỉ trên được nhóm nghiên cứu nhận định là quá trình chuyển đổi đất rừng thành các đồn điền trồng dầu cọ, cây công nghiệp và hoạt động khai thác gỗ.

“Mặc dù có tới 33,4% phạm vi cư trú của khỉ Borneo nằm trong các khu bảo tồn, song các loài khỉ này vẫn không ngừng bị đe dọa do hầu hết các khu bảo tồn đều đang rơi vào tình trạng thiếu ngân sách, nhân lực và yếu kém về mặt quản lý” – ông Smith, thành viên đoàn nghiên cứu chia sẻ.

Để cứu tương lai của các loài khỉ này, ông cho rằng cần chấn chỉnh lại công tác quản lý ở các khu bảo tồn hiện có, đồng thời quy hoạch các diện tích rừng chưa được phân bổ thành khu bảo tồn mới và đầu tư ngay từ đầu để nó có thể hoạt động hiệu quả và tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động kinh tế.