ThienNhien.Net – Trong báo cáo công bố ngày 27/2, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, khối lượng lương thực bị lãng phí hoặc thất thoát mỗi năm trên thế giới lên tới 25-33%.
Ngũ cốc, rau, củ, quả là loại thực phẩm bị lãng phí nhiều nhất.
WB nhấn mạnh nghịch lý trong khi hàng triệu người trên thế giới đi ngủ ôm bụng đói mỗi đêm, thì hàng triệu tấn lương thực bị lãng phí hoặc bị hư hỏng do khâu bảo quản kém.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lãng phí thực phẩm nằm ở khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ trong dây chuyền cung ứng lương thực. Thậm chí, hàng triệu tấn lương thực bị ném vào thùng rác hoặc bị hỏng trên đường vận chuyển ra thị trường.
Tại Bắc Mỹ, khoảng 61% khối lượng lương thực bị mất mát trong giai đoạn tiêu thụ, trong khi tại châu Phi, tình trạng lãng phí phần lớn xảy ra ở quá trình sản xuất và chế biến.
Ở các nước như Mỹ và Anh, trung bình một gia đình gồm 4 người mỗi năm lãng phí lần lượt 1.600 USD và 1.100 USD tiền mua thực phẩm mà không dùng đến. Còn tại các nước ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara, chỉ có 5% lượng lương thực bị thất thoát trong quá trình tiêu thụ.
Báo cáo cho biết, chính sách mua bán của các siêu thị đã kích thích việc sản xuất lương thực dư thừa và việc khuyến mại cũng khuyến khích người tiêu dùng mua quá nhiều so với nhu cầu sử dụng, dẫn tới việc bỏ phí lương thực tại gia đình.
Cũng theo bản báo cáo, tình trạng lãng phí lương thực đang gây ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên như đất đai, nước, năng lượng… Cụ thể, sự lãng phí trong dây chuyền cung ứng gạo, táo và cà phê dẫn đến sự lãng phí một lượng lớn nước sạch dùng trong trồng trọt.