ThienNhien.Net – Đó là ý kiến của ông Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trao đổi với NNVN.
Đề án tái cơ cấu ngành của Tổng cục Lâm nghiệp đã sớm được phê duyệt từ năm 2013, vậy bước sang năm nay, ngành lâm nghiệp đặt trọng tâm vào những nhiệm vụ nào trên cơ sở thực hiện Đề án, thưa ông?
Về nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lâm nghiệp trong năm 2014, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có chỉ đạo là phải làm rõ được những thay đổi khi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành. Khắc phục điểm yếu trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trước hết năm 2014 phải trồng được gần 12 ngàn ha. Quyết tâm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sao cho đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng đạt 41,5%.
Ngoài ra, trong năm nay Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) phải xây dựng xong quy chuẩn, tiêu chuẩn của chất lượng vật tư ngành lâm nghiệp trong đó đặc biệt quan trọng là các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho giống cây lâm nghiệp.
Theo Đề án tái cơ cấu thì việc đầu tiên cần làm là nâng cao chất lượng rừng trồng sản xuất, cố gắng triển khai ngay trong năm 2014 việc chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ chất lượng thấp sang rừng gỗ lớn chất lượng cao.
Phải đưa những giống mới, cây mới có năng suất cao hơn để trồng lại phục vụ cho sản xuất gỗ lớn và chúng tôi xác định sẽ tập trung vào các tỉnh có cơ sở chế biến, có đầu ra, có khả năng đầu tư của xã hội như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình trải dần đến Nghệ An, Hà Tĩnh…
Chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn là bước chuẩn bị cho một kế hoạch thay đổi công nghệ chế biến gỗ trong Đề án?
Đúng vậy. Chúng tôi đang nghiên cứu đánh giá lại toàn bộ hệ thống chế biến với mục tiêu tăng cường đầu tư vào chế biến sâu, giảm chế biến theo công nghệ gỗ ván dăm nhằm đưa ngành chế biến lâm sản VN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ nay đến 2020 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 15-16 tỉ USD (gấp 2,5 lần).
Tất nhiên, muốn như thế chúng ta phải vượt qua được các rào cản thương mại, cần xem xét lại toàn bộ hệ thống thị trường của VN để ứng phó với các rào cản quốc tế, quay lại hỗ trợ công nghiệp chế biến. Ngoài ra, phải xem xét lại hệ thống thuế, chính sách tín dụng, tạo mô hình liên kết trong sản xuất. Nhưng để nhân rộng, dứt khoát Chính phủ cần phải có gói tín dụng cho chính sách này.
Ví dụ có thể thông qua các Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hoặc thông qua các công ty trồng rừng sản xuất nguyên liệu, nhà máy chế biến để hỗ trợ nông dân theo cơ chế liên kết. Hiện công nghiệp chế biến gỗ của ta phần lớn trong tay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu 5,5 tỉ USD thì doanh nghiệp FDI chiếm 80%.
Doanh nghiệp trong nước rất khó để giữ cân bằng vì hầu hết những công ty nước ngoài ở Việt Nam đều có công ty mẹ ở thị trường khác và họ luôn chủ động được đầu ra. Còn doanh nghiệp Việt Nam đã ít vốn mà khả năng tiếp thị thương mại lại yếu nên để đạt được mục tiêu xuất khẩu 15 tỉ USD, vấn đề của chúng ta là phải có gói chính sách thúc đẩy mô hình trồng rừng nguyên liệu có nguồn gốc và thúc đẩy đầu tư nhà máy chế biến trong nước.
Ông vừa nói, cần gói chính sách để phát triển mô hình trồng rừng nguyên liệu có nguồn gốc, vậy cụ thể mô hình đó như thế nào?
Tại Quảng Trị, thông qua Dự án của World Bank người nông dân trồng rừng được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi rất thấp, được cung cấp giống và đào tạo kĩ thuật trồng rừng. Sau chu kì trồng rừng họ lại được cấp chứng chỉ rừng xác định nguồn gốc gỗ bởi những tổ chức cấp chứng chỉ rừng có uy tín trên thế giới nhờ đó giá bán gỗ tăng lên 25-30%.
Đây chính là bước đột phá khiến người dân thực sự được hưởng lợi từ rừng. Tuy nhiên, mô hình này chúng ta chưa thể nhân rộng do vướng mắc ở hai vấn đề.
Thứ nhất, chúng ta không có tổ chức đủ uy tín để cấp chứng chỉ rừng nên phải thuê các tổ chức trên thế giới và mất khá nhiều chi phí cho chuyên gia đánh giá, thẩm định rừng. Thêm vào đó, do việc chia đất lâm nghiệp quá manh mún nên một hộ gia đình 1-5ha cũng phải làm một thủ tục nên sẽ mất nhiều triệu đồng cho chi phí.
Dẫn tới chi phí cố định quá cao mà lợi nhuận từ trồng rừng thì chưa lớn. Chính vì trở ngại đó nên mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu ha rừng có chứng chỉ vào năm 2015 của chúng ta thất bại và đến nay vẫn chỉ có khoảng gần 100 ngàn ha rừng được cấp chứng chỉ.
Thứ hai nữa là đang trong giai đoạn xóa đói giảm nghèo nên chúng ta khuyến khích phát triển kinh tế hộ và có rất nhiều ưu đãi cho thành phần kinh tế này nhưng nếu tham gia vào thị trường gỗ thế giới thì cần phải kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp nhưng hiện nay chúng ta chỉ kiểm soát được nguồn gốc gỗ đối với những doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó hàng loạt gỗ trôi nổi trong xưởng chế biến nhỏ thì không kiểm soát được. Câu hỏi đặt ra là có thể thắt chặt quản lý gỗ trong các nhà xưởng không, nếu nhà nước yêu cầu tất cả gỗ trong nhà xưởng đều phải có chứng chỉ?
Câu trả lời sẽ là: Không thể. Bởi nếu chúng ta thắt chặt nguồn gốc gỗ thì ông chủ xưởng không thể cạnh tranh với doanh nghiệp lớn mà sản xuất nhỏ lẻ chết thì câu chuyện xóa đói giảm nghèo không thành công. Vì vậy ta phải lựa chọn giải pháp linh hoạt, vừa khuyến khích chứng chỉ rừng nhưng vừa duy trì sản xuất nhỏ lẻ.
Hiện, ở khắp các tỉnh trên toàn quốc đều trồng keo. Liệu có cây gì khác ngoài keo để tăng sinh khối, tăng lợi nhuận theo chu kì, thưa ông?
Trước đây, rừng bị tàn phá không còn tầng đất mặt, hễ cuốc là gặp đá ong. Đất xấu đến nỗi cây sắn còn không mọc nổi. Cách đây 20 năm đi từ Ninh Bình vào Thanh Hóa toàn đồi núi trọc, chúng ta mới bắt đầu phối hợp với Thụy Điển chương trình bảo vệ đất, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và bắt đầu bằng cây keo.
Không ai có thể phủ nhận rằng cây keo có thể sống ở nơi không cây gì có thể sống nổi, và bây giờ cây keo đã phủ kín hết các vùng rừng. Không cây gì có thể hơn được loại cây này vì keo còn có khả năng cải tạo đất, khiến cho tầng đất trở nên dày hơn.
Theo tôi cần phải xem cây keo như là cây lúa của Việt Nam, nó quá hiệu quả: cải tạo đất, năng suất tốt, dễ trồng, người nông dân không biết chữ cũng có thể ươm cây giống. Nếu để đưa một cây khác thay thế keo tôi nghĩ phải mất vài chục năm nữa và phải thay đổi hẳn cách nhìn về rừng.
Ví dụ làm như nước Đức chẳng hạn. Đóng hẳn cửa rừng để trở thành gỗ tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta vẫn cần phát triển kinh tế lâm nghiệp, cần xóa đói giảm nghèo thì vẫn phải phát triển keo. Hơn nữa, với công nghệ chế biến cao thì cây keo càng có giá trị. Trước đây không ai nghĩ đến chuyện sử dụng gỗ keo làm đồ gỗ gia dụng nhưng giờ họ đã sử dụng được rồi vì chúng ta có công nghệ biến gỗ keo trở thành loại gỗ rắn như lim.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhiều lần nhấn mạnh việc đặt hàng các nhà khoa học để cho ra các bộ giống tốt, nếu để đặt hàng giống cây lâm nghiệp ông sẽ lựa chọn đơn hàng như thế nào?
Đồ dùng của Hàn Quốc, Đài Loan toàn dùng gỗ xoan đào kém hơn keo. Do đó, vấn đề của ta hiện nay không phải là tìm cây thay thế keo mà phải tìm ra giống keo trồng trên nhiều địa hình, khí hậu, năng suất, hiệu quả hơn và tìm ra công nghệ mới để sử dụng cây keo tốt hơn (ông Nguyễn Bá Ngãi). |
Nhược điểm của keo ở nước ta là trồng lâu thì rỗng gỗ và cây có quá nhiều mắt (tiêu chuẩn gỗ nước ngoài dùng thường không quá 5 mắt), vậy chúng ta phải tuyển chọn được giống keo tốt sao cho khúc gỗ phải trông như khúc giò.
Đối với ngành lâm nghiệp tôi muốn đặt hàng các nhà khoa học sao cho trong vòng 7 năm tới 1 năm phải cho ra giống keo tăng trưởng 30 m3/ha với chất lượng cây keo có độ dày và số mắt/m đạt tiêu chuẩn.
Vậy tại sao không đặt hàng chuyên gia nước ngoài, thưa ông?
Đây là vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật, cơ chế quản lý khoa học của chúng ta đang dựa trên cơ chế hội đồng. Chủ nhiệm đề tài không thể quyết được việc đặt hàng ở đâu, như thế nào.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, ngoài Hội đồng khoa học thì cần phải có thêm Ban chỉ đạo thực hiện chương trình. Hội đồng không nên duyệt về mặt tổ chức thực hiện dự án mà chỉ duyệt về mặt khoa học của dự án. Ví dụ: để tạo được bộ gen cây có 10 mắt trên 1 m thì phải dựa trên công nghệ của Mỹ thì ban chỉ đạo sẽ quyết định thực hiện thí nghiệm tại Mỹ.
Xin cảm ơn ông!
Hồi làm GĐ Sở NN-PTNT Bắc Kạn, tôi đã đề nghị tỉnh dành hẳn 10 tỉ đồng để đặt hàng các nhà khoa học làm sao cho cây quýt của địa phương tăng 50% độ ngọt và chín muộn hơn đúng vào dịp Tết tuy nhiên các nhà khoa học của chúng ta không làm được (ông Nguyễn Bá Ngãi). |