ThienNhien.Net – Tính đến hết năm 2013, tỉnh Lạng Sơn có tổng số 51 tổ chức hoạt động khoáng sản với 57 giấy phép khai thác còn hiệu lực… Việc đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản thời gian qua đã giúp hoạt động khai khoáng trên địa bàn phát huy hiệu quả kinh tế, hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường…
Hoạt động khai khoáng tại Lạng Sơn hiện nay chủ yếu tập trung vào khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại và than… Trong đó, các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (đá, cát sỏi, sét) có công nghệ khai thác từ bán cơ giới kết hợp thủ công ở các mỏ nhỏ đến cơ giới hóa cao, đầu tư lớn, khai thác quy mô công nghiệp. Còn các mỏ kim loại có trữ lượng nhỏ nên việc quy mô đầu tư và công nghệ khai thác rất hạn chế mang tính ngắn hạn, có 4/12 điểm mỏ còn hoạt động khai thác, các điểm còn lại tạm ngừng hoạt động do sản phẩm không tiêu thụ được trong nước và cũng không được xuất khẩu.
Công tác cấp phép hoạt động, thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, việc trình thẩm định cấp giấy phép hoạt động đều theo đúng quy định. Trong quá trình thẩm định dự án đều đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa và an ninh quốc phòng, diện tích đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và phạm vi bảo vệ an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi…
Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã có những chuyển biến tích cực. Việc ngăn chặn khai thác trái phép đã chấm dứt. Sau các đợt truy quét của các lực lượng chức năng, tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép trên các con sông đã cơ bản bị khống chế…
Ông Nguyễn Đình Duyệt – Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lạng Sơn:
Hiện nay, hoạt động khoáng sản tại Lạng Sơn đã đi vào quy củ, đóng góp thiết thực vào thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. |
Các đơn vị hoạt động khoáng sản đã thuê tổ chức dịch vụ chuyên thu gom, vận chuyển rác thải đưa đi xử lý, phối hợp với địa phương thực hiện phong trào tự quản về vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang, thu gom và xử lý rác thải…, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường tại cơ sở sản xuất và xung quanh khu vực. Vấn đề ô nhiễm chỉ xảy ra cục bộ tại một số khu vực như nước suối gần mỏ than Na Dương do mỏ than chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để đối với nước thải khu vực mỏ; ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn, độ rung tại các khu vực khai thác đá. Đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra hiện tượng suy thoái, sự cố môi trường trong hoạt động khoáng sản.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý địa chính, môi trường cho hàng trăm cán bộ, công chức cấp xã, tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường cho gần 10.000 người. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phep hoạt động trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến…