ThienNhien.Net – NNVN số ra ngày 12/2/2014 có bài viết “Yên Phong – Bắc Ninh: Thôn bán đất trái thẩm quyền tràn lan”, phản ánh các thôn tại xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh) lợi dụng chính sách dồn điền đổi thửa (DĐĐT) bán đất nông nghiệp trái phép rồi chi tiêu phung phí.
Tiếp tục vào cuộc điều tra, chúng tôi phát hiện rất nhiều thôn, xã khác của huyện Yên Phong và một số huyện trong tỉnh Bắc Ninh tình trạng bán đất trái thẩm quyền cũng diễn ra tương tự.
Biến dạng một chủ trương lớn
Ngày 21/10/2009, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 162 phê duyệt Đề án Dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 – 2011. Sau đó, căn cứ vào Nghị quyết số 158 tại kỳ họp HĐND 16 ngày 6/5/2010 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về việc quy định chế độ hỗ trợ kinh phí cho công tác DĐĐT giai đoạn 2009 – 2011, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ban hành Quyết định 52 Quy định chế độ hỗ trợ kinh phí cho công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí để các xã có thôn, HTX thực hiện công tác đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng gắn với đắp bờ vùng bờ thửa theo giá trị quyết toán công trình. Mức hỗ trợ không quá 3 triệu đồng/ha chuyển đổi. Các chi phí còn lại như hội họp, tập huấn, quy hoạch, đo đạc, hồ sơ, giấy tờ… ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí, song không quá 500.000 đồng/ha.
Thực tế, rất nhiều địa phương tại Bắc Ninh đã thực hiện DĐĐT từ trước khi có Quyết định số 162 của tỉnh. Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Bắc Ninh tiến hành DĐĐT trên quy mô lớn và diện rộng cũng là điều hợp lí để công tác DĐĐT quy củ, chuyên nghiệp, hiệu quả và đúng quy hoạch.
Mục đích ban đầu tốt đẹp là vậy, nhưng trong quá trình triển khai do thiếu sâu sát trong kiểm tra chỉ đạo của cán bộ chính quyền cấp huyện, xã, cộng tư duy bệnh thành tích của lãnh đạo, cán bộ nhiều địa phương nên từ chủ chương tốt đẹp, phong trào DĐĐT trở thành “ngòi nổ” cho việc bán đất trái thẩm quyền tràn lan tại Bắc Ninh.
Theo số liệu báo cáo của Sở TN-MT Bắc Ninh, đơn vị đầu mối được UBND tỉnh giao thực hiện công tác DĐĐT, tính đến ngày 31/12/2013, việc hỗ trợ kinh phí cho công tác DĐĐT giai đoạn 2009 – 2011 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 162/2009/QĐ-UBND ngày 21/10/2009 là 264 thôn đã thực hiện dồn điền, đổi thửa xong, diện tích trên 17.600 ha với tổng kinh phí được ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 57 tỉ đồng.
Có được thành quả này là một sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, lãnh đạo và bà con nông dân trong tỉnh Bắc Ninh bởi việc dành một nguồn kinh phí rất lớn để DĐĐT với quy mô rộng như vậy không phải đơn giản. Đây sẽ là thành tích rất tuyệt vời nếu việc DĐĐT được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, đặc biệt kinh phí đối ứng để tiến hành xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng và đắp bờ vùng bờ thửa là “tiền sạch” hoặc do chính công sức, ngày công lao động người dân bỏ ra.
Nhưng sự thật sẽ khiến những ai vừa xem qua bảng thành tích về công tác DĐĐT tại tỉnh Bắc Ninh buồn và thất vọng vô cùng khi trong tổng số hàng chục tỉ đồng kinh phí đối ứng mà các địa phương bỏ ra để làm công tác DĐĐT có một lượng tiền không nhỏ do các thôn, xã bán đất trái thẩm quyền mà có.
Thành ra thất bại
Chúng tôi trở lại huyện Yên Phong, mục đích là xác thực các thôn tại xã Dũng Liệt bán trái thẩm quyền 100 suất đất nông nghiệp để lấy tiền thực hiện DĐĐT mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước có nằm trong chủ trương DĐĐT của tỉnh Bắc Ninh hay không thì sự thật đúng như vậy.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đạc – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Phong cung cấp danh sách 13 thôn trong huyện đã hoàn thành việc DĐĐT tất cả các thôn của xã Dũng Liệt đều có tên trong đó. Ông Đạc ngậm ngùi chia sẻ, ngoài 4 thôn của xã Dũng Liệt, một số thôn, xã khác trong huyện cũng có tình trạng bán đất trái thẩm quyền tương tự, song quy mô và mức độ không rầm rộ như xã Dũng Liệt.
“Điển hình vừa qua cả Bí thư, Chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Đông Phong, huyện Yên Phong đều bị khởi tố vì tội bán đất trái thẩm quyền. Sau bài học đó, lãnh đạo các thôn, xã khác trong huyện đã chùn tay không dám bán đất trái thẩm quyền tràn lan như trước nữa. Ngọn nguồn của những sai phạm này xuất phát hầu hết từ phong trào chạy theo thành tích cộng việc thiếu kiểm tra giám sát của cấp trên.
Do đó, nếu thôn, HTX nào bây giờ tiến hành DĐĐT, huyện vẫn hỗ trợ nhưng tuyệt đối không cho địa phương đấu giá quyền sử dụng đất, không cho phá hệ thống bờ vùng và thủy lợi nội đồng, chỉ cho phá các bờ thửa để giảm tối đa chi phí cho công tác này”, ông Đạc nhấn mạnh.
Quá trình tìm hiểu công tác DĐĐT tại Bắc Ninh, chúng tôi nhận thấy có sai lầm rất lớn là khi triển khai DĐĐT các thôn tiến hành phá sạch hệ thống bờ vùng, kênh mương, thủy lợi để làm lại từ đầu. Trong khi đó, rất nhiều bờ vùng, kênh mương chỉ cần cải tạo, đắp thêm hoặc điều chỉnh lại là có thể sử dụng đúng theo tiêu chí NTM. Nhưng khổ một nỗi là thôn này muốn hoành tráng hơn thôn khác, xã này muốn đẹp hơn xã kia để báo cáo thành tích nên địa phương nào cũng ra sức làm thật lớn.
Trong khi ngân sách của tỉnh hỗ trợ có 3 triệu đồng/ha mà muốn làm “hoành tráng” phải có tiền, với thôn thì không có gì kiếm được tiền nhanh và dễ hơn bán đất. Vậy là phong trào bán đất lấy tiền DĐĐT lan nhanh hết địa phương này sang địa phương khác.
Khi được hỏi, hầu hết các thôn, xã bán đất trái thẩm quyền đều tâm sự là học tập mô hình của xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ. Thấy lạ, chúng tôi lập tức về địa phương này tìm hiểu thực hư mô hình DĐĐT như thế nào mà được nhiều nơi “ca ngợi” đến vậy. Quả thực, đi dọc các con đường giữa cánh đồng xã Mộ Đạo chúng tôi thấy những thửa ruộng vuông chằn chặn, bờ vùng, kênh mương thẳng tắp.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Mộ Đạo Đào Hữu Lịch khoe, địa phương đã hoàn thành DĐĐT từ năm 2010. Khi chúng tôi hỏi nguồn kinh phí địa phương lấy từ đâu, ông Lịch khẳng định xã, thôn không bán đất để lấy tiền DĐĐT mà kinh phí từ 3 nguồn chính là: quỹ nội đồng, thầu ruộng 5% và ngày công bà con nông dân bỏ ra.
Tuy nhiên, trong vai một công nhân cần mua đất với giá rẻ để xây nhà, chúng tôi được một cán bộ của thôn Trạc Nhiệt tên N.T.V cho biết câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Ông N.T.V chia sẻ, nếu không bán đất 5%, thùng đào thùng đấu, ao chuôm thì thôn lấy đâu ra nhiều tiền thế mà thực hiện DĐĐT, ông còn khoe riêng thôn Trạc Nhiệt thu được tới 10 tỉ đồng tiền bán đất từ trước tới nay.
Để minh chứng, ông lấy ra cho tôi xem mấy bản hợp đồng giấy viết tay mua bán đất của thôn (giống y bản hợp đồng mua bán đất ở thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, Yên Phong). Sau đó, ông còn dẫn tôi đi một vòng quanh thôn và chỉ những thửa đất mà trên đó vẫn được cấy lúa và cho biết chúng đã được bán hết rồi, tôi thích miếng nào thôn sẽ bán cho miếng đó, nhưng để làm được sổ đỏ thì phải đợi có đợt (!?).
+ Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bắc Ninh tiến hành kỉ luật một loạt cán bộ huyện, xã và thôn vì các sai phạm liên quan đến đất đai. Trong đó, điểm nóng nhất nằm ở huyện Yên Phong và Quế Võ.Cá biệt, trong năm 2011, nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Võ Nguyễn Đình Nhương bị kỉ luật cho nghỉ công tác chờ giải quyết chế độ do có các khuyết điểm, vi phạm về quản lý đất đai đã vi phạm về thẩm quyền và làm trái các quy định của pháp luật, để tình trạng vi phạm Luật đất đai diễn ra phổ biến, kéo dài, có nơi, có vụ việc vi phạm pháp luật hình sự, gây hậu quả khó khắc phục.
+ Ngày 24/10/2013, Sở TN-MT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp và Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh có Văn bản hướng dẫn liên ngành số 04/LN:STNMT-STC-SXD-STP-CT về việc thực hiện xét giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền, đất do lấn, chiếm, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ ngày 1/7/2004 đến 31/12/2012. Theo đó, trong thời gian trên, những lô đất nào phù hợp quy hoạch, không xảy ra tranh chấp, người mua chỉ cần đóng thuế chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở. Nếu thực hiện thành công chủ trương này, tỉnh Bắc Ninh sẽ thu về ngân sách hàng trăm tỉ đồng từ việc hợp thức hóa đất sai phạm. |