ThienNhien.Net – Trong khi Cần Thơ đang “thèm” có nhà máy xử lý rác, thì tại Vĩnh Long có nhà máy xử lý rác hiện đại nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại bị trùm mền bên “núi rác”. Dân kêu trời vì ô nhiễm môi trường! Nghịch lý này đang diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long…
Dân khổ vì ô nhiễm môi trường
Đến xã Hòa Phú, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), cách bãi rác lộ thiên Hòa Phú khoảng hơn 1.000m, chúng tôi đã cảm nhận được mùi hôi thối của bãi rác bốc lên nồng nặc. Vào thời điểm này đang là mùa khô nên mùi hôi thối còn bay xa hơn, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân tại khu vực này.
Bãi rác Hòa Phú được hình thành từ năm 1997, nằm sát quốc lộ 1A. Thời gian qua, khu vực này là nơi tập kết rác thải của tỉnh Vĩnh Long. Qua nhiều năm không được xử lý, hiện nay đống rác đã trở thành “núi” cao hơn 15m. Đi sâu vào trong khu vực bãi rác, nơi chuẩn bị có một bãi rác mới, mùi hôi thối càng nồng nặc hơn. Đứng nơi đây chưa đầy một tiếng đồng hồ, liên tiếp hàng chục xe chở rác từ khắp nơi tập kết về đây. Theo như cán bộ quản lý bãi rác cho biết, một ngày trung bình có khoảng trên 100 tấn rác tập kết về đây. Chỉ mới 2 tháng nay nhưng bãi rác mới đã chất đống thành núi. Bãi rác này hiện do Công ty Công trình Công cộng tỉnh Vĩnh Long quản lý. Cũng theo cán bộ quản lý bãi rác cho biết, quy trình mà Công ty Công trình Công cộng xử lý rác thải là đem chôn xuống đất và phun thuốc khử mùi hôi.
Chúng tôi tìm đến một số hộ dân sống xung quanh khu vực bãi rác để ghi nhận những bức xúc mà người dân phải hứng chịu. Ông Trần Văn Sinh, ngụ tại ấp Phú Hưng, xã Hòa Phú cho biết: Hiện nay đang mùa gió chướng nên gia đình hứng trọn mùi hôi thối của bãi rác bốc lên. Nhiều năm qua chúng tôi phải chung sống với rác. Từ khi ở đây có nhà máy xử lý rác thải, tình trạng ô nhiễm giảm đi nhiều, chỉ thấy mùi khét từ đốt nhựa mà công ty thải ra thôi. Theo tôi, nhà máy chỉ cần làm cho cột ống khói lên cao hơn thì người dân không phải chịu mùi hôi nữa…. Còn ông Trương Minh Động, nhà cách bãi rác khoảng gần 200m cho biết: Nhiều năm qua, chúng tôi phải chịu cảnh ô nhiễm, hôi thối từ bãi rác bốc lên. Hồi chưa có bãi rác, gia đình tôi có đầu tư xây dựng 30 phòng trọ cho thuê, nhưng từ khi có bãi rác, tình trạng ô nhiễm nặng nề thì số lượng người đến thuê phòng trọ của gia đình tôi giảm hẳn. Mặc dù giá thuê phòng đã giảm còn 350.000 đồng/tháng, nhưng cũng không ai thuê. Ông Động còn cho biết: Gần nhà ông có gia đình ông Đoàn Văn Tỉnh do không chịu được mùi rác đành phải bán rẻ nhà đi sinh sống ở nơi khác. Ngoài việc bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường rác, những năm gần đây, nhiều gia đình còn bị thiệt hại về kinh tế như gia đình ông Võ Văn Hoàng, là chủ cơ sở cá giống cho biết: Gia đình làm nghề bán cá giống từ lâu đời, nhưng từ khi bãi rác Hòa Phú lớn dần lên thì tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nặng nề hơn. Toàn bộ khu vực xung quanh bãi rác, nguồn nước ô nhiễm không thể nuôi được con gì. Khoảng 3 năm nay, mỗi khi mùa mưa, nước từ bãi rác tràn ra, cá giống nhà tôi chết hết. Mỗi vụ như vậy, lỗ khoảng 30 triệu đồng. Mấy chục năm gắn bó với nghề này, giờ cá chết, biết đổ thừa cho ai bây giờ?, anh Hoàng nói.
Đa phần những hộ dân sinh sống nơi đây đều bức xúc khi không hiểu lý do vì sao, có một thời gian rác thải được chuyển vào nhà máy xử lý, nhưng từ đầu năm đến nay lại đưa ra lộ thiên…
Nghịch lý, đóng cửa nhà máy xử lý rác thải bên “núi rác”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối năm 2009, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phương Thảo (gọi tắt là Cty Phương Thảo), đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Hòa Phú với tổng diện tích 8ha. Đến cuối năm 2011, nhà máy chạy thử nghiệm với công suất thiết kế 300 tấn/rác/ngày, vốn đầu tư 238 tỷ đồng, hệ thống dây chuyền công nghệ phân loại rác nhập từ Đức. Nhưng hiện nay toàn bộ hệ thống xử lý rác đang phải trùm mền.
Nguyên nhân được lý giải, sau một thời gian chạy thử nghiệm, giữa UBND tỉnh Vĩnh Long và Công ty Phương Thảo chưa thống nhất một số điều khoản. Cụ thể, về giá xử lý rác thải và kinh phí tạm ứng xử lý bãi rác tồn cũ của nhiều năm trước với trên 350.000 tấn. Đến tháng 4-2013, UBND tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất và giao cho Công ty Công trình Công cộng kí hợp đồng với Cty Phương Thảo xử lý rác 100 tấn/ngày với mức giá 240.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, Công ty Phương Thảo chỉ sản xuất được 6 tháng thì bị đóng cửa. Theo bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng giám đốc Cty Phương Thảo: Lượng rác thải hàng ngày mà tỉnh Vĩnh Long cung cấp chỉ được khoảng 100 tấn/ngày, chỉ đáp ứng được 1/5 công suất thiết kế, trong khi đó đơn giá xử lý rác lại quá thấp 240.000đ/tấn, dẫn đến không đủ tiền chi phí vận hành máy, tiền khấu hao, tiền lương, tiền điện và trả lãi vay ngân hàng… Công ty Phương Thảo đề nghị hợp đồng thêm với các tỉnh, thành lân cận để xử lý rác nhưng UBND tỉnh không đồng ý. Ông Phan Quốc Minh Trung – Quản lý nhà máy thắc mắc, công nghệ được nhập từ Đức, đã qua kiểm nghiệm chặt chẽ và được các Bộ đánh giá cao, nhưng lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Long lại cho rằng không đạt. Trong khi đó, phía nhà máy đến nay cũng không nhận được văn bản hay kết quả đánh giá nào thể hiện công nghệ nhà máy không đạt (?).
Không thể tiếp tục chịu đựng được khi thấy khối tài sản hàng trăm tỉ đồng đầu tư bị trùm mền, tháng 12-2013, bà Liêu Cát Phương Thảo đã gửi đơn cầu cứu tới Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thành lập đoàn kiểm tra đánh giá về chất lượng và công nghệ máy móc xử lý rác của Công ty Phương Thảo, đồng thời đề nghị với địa phương tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp được thuận lợi hoạt động nhằm trả nợ và lãi của vốn vay trên 238 tỉ đồng… Do bị đóng cửa nên Cty Phương Thảo cũng không thể hợp đồng thêm với bất cứ nơi nào để xử lý rác, kể cả Cần Thơ cũng yêu cầu xử lý rác nhưng đành chịu! Nhà máy xử lý rác phải trùm mền bên đống rác. Thật xót xa!