ThienNhien.Net – Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta trong thời gian qua còn chưa quan tâm thích đáng đến yếu tố môi trường và xã hội của các dự án đầu tư. Theo Ngân hàng nhà nước, ngành ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua hoạt động cho vay và đầu tư bởi vì hệ thống này là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Các tổ chức tín dụng đóng vai trò là yếu tố tăng cường tác động phát triển tích cực tới xã hội và cũng góp phần vào việc bảo vệ cộng đồng và môi trường tại những nơi các tổ chức tín dụng và khách hàng của các tổ chức tín dụng đang hoạt động.
Do đó, trong tương lai ngành ngân hàng Việt Nam phải xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường, theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia phải bị ràng buộc bởi những quy định về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Về phía các tổ chức tín dụng, việc thực hiện chính sách tín dụng bền vững sẽ đảm bảo cho tổ chức tín dụng hạn chế rủi ro, hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.
Chính vì vậy, tại dự thảo của Ngân hàng Nhà nước quy định: Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội là tập hợp các chính sách, quy trình quản lý và thủ tục đánh giá, giám sát rủi ro môi trường và xã hội đối với dự án, phương án của khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) phải xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội tại đơn vị mình để thực hiện việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng chủ động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong điều hành hoạt động nội bộ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Đồng thời, chủ động phát triển và cải tiến sản phẩm, tìm kiếm và khai thác những cơ hội kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội theo định kỳ hàng quý.
Báo cáo này bao gồm số lượng và tỷ lệ các giao dịch tín dụng tuân thủ theo Quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội của tổ chức tín dụng; tỷ lệ các giao dịch được xếp loại rủi ro thấp, trung bình và cao; và số lượng hồ sơ cấp tín dụng bị từ chối và/hoặc được chấp nhận vì lý do môi trường và/hoặc xã hội.
Bên cạnh đó, hàng năm, tổ chức tín dụng cũng phải báo cáo Ngân hàng nhà nước về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Báo cáo bao gồm các nội dung: năng lực quản lý rủi ro môi trường và xã hội của tổ chức; phương pháp giám sát và đảm bảo quản lý rủi ro môi trường và xã hội hiệu quả và công tác báo cáo nội bộ về hoạt động môi trường và xã hội của tổ chức.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên website của cơ quan này.