ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, do lo ngại về chất lượng rau xanh bày bán tại các chợ, nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng rau rừng. Dù có giá không hề rẻ nhưng loại rau này ngày càng được nhiều bà nội trợ lựa chọn, bất chấp những nguy cơ có thể gây hại đến sức khỏe.
Cứ rau rừng là… sạch (?!)
Vốn yêu thích món bánh tráng cuốn thịt, đặc biệt là những loại rau rừng ăn kèm theo món ăn này nên khi được cô bạn thân giới thiệu mối cung cấp rau rừng từ Lào Cai, chị Phạm Thu Hiền (ở khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) phấn khởi liên hệ đặt hàng ngay. Trung bình mỗi tuần, chị Hiền đặt mua từ 5-7 kg rau rừng gồm rau xanh, nấm và măng. “Do các loại rau rừng thường có vị đắng, chát nên ban đầu khá khó ăn nhưng khi ăn quen sẽ dễ “nghiện”. Dù chi phí bỏ ra để mua rau rừng đắt hơn các loại rau thông thường nhưng lại đảm bảo về chất lượng nên tôi thấy yên tâm hơn nhiều” – chị Hiền chia sẻ.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội, rau rừng có nguồn gốc từ một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… xuất hiện lác đác tại một số chợ đầu mối hay được bày bán xen kẽ với các loại rau thông thường. Ngoài ra, loại rau này cũng được rao bán khá nhiều qua mạng. Do giá thành vận chuyển cao nên rau rừng thường được bán cho các nhà hàng đặc sản hoặc những khách quen đặt hàng từ trước với giá từ 40 – 50.000đ/kg. Ông Nguyễn Đình Hùng – chủ một nhà hàng ăn uống ở đường Láng, quận Đống Đa cho biết, trung bình mỗi ngày cửa hàng nhập về gần 30kg rau rừng. Loại rau này có hương vị đặc trưng mà rau trồng quen thuộc ít có được như vị chua, đắng, chát và đặc biệt là rất sạch nên được nhiều vị khách sành ăn lựa chọn.
Rau rừng hiện có hai loại: Rau người dân lấy trên rừng về trồng trong vườn và rau hái lượm trực tiếp. Tuy vậy, việc phân biệt hai loại rau này là điều không đơn giản. Trong khi đó, những loại rau này chưa được cơ quan nào nghiên cứu, kiểm định về mức độ an toàn nên tiềm ẩn nguy cơ khó lường.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khương – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có trên 100 loại rau rừng có thể dùng làm thực phẩm. Những loại rau này không chỉ là nguồn thực phẩm đơn thuần mà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh như cải xoong, rau sắng, rau chùm bao, rau tàu bay, rau mớp, rau bép, rau vẩy ốc, mã đề, rau má, rau ngót… Dù hầu hết các loại rau rừng thu hái tự nhiên, không bị tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật nhưng mặt hàng này hiện chưa được quản lý chặt chẽ.
Việc sử dụng rau rừng tiềm ẩn không ít rủi ro bởi rau rừng ăn được khá giống với những loại rau dại có độc tố, lại mọc gần nhau. Ngay cả với người dân miền núi, dù rau rừng xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của họ nhưng tình trạng ngộ độc vẫn khó tránh. Cách đây không lâu, chị Zơ Râm Thị Nhớt (ở xã BHalêê, huyện Tây Giang, Quảng Nam – đang mang thai tháng thứ 7) vào rừng hái rau về nấu canh ăn. Sau khi ăn, chị Nhớt bị ngộ độc, tím tái toàn thân, thở nấc, hôn mê, suy thận cấp. Trước đó, ở xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, anh Thò Giống Sính (43 tuổi), ông Thò Chá Tủa (85 tuổi), Thò Mí Lô (9 tuổi), chị Cư Thị Dính (35 tuổi) cũng đã tử vong do ăn phải rau rừng có độc. Gần đây nhất, vào tháng 5-2013, trong giờ ra chơi, một nhóm học sinh tại xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc rủ nhau lên rừng ăn lá cây. Sau đó 13 em đều có biểu hiện đau đầu, chóng mặt và buồn nôn.
Lời khuyên của các chuyên gia trong trường hợp này là mỗi người dân trước khi sử dụng bất cứ loại cây, rau rừng nào cần thận trọng xem xét, tránh bị “chặt chém”, mắc lừa mua phải rau rừng “rởm”, quan trọng nhất vẫn là hạn chế tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để mọi người cùng nâng cao hiểu biết, ý thức khi thưởng thức đặc sản rừng.