ThienNhien.Net – Ngày 22/2 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá tại Việt Nam mang chủ đề: “Việt Nam không khói thuốc lá”.
Chiến dịch gồm 2 nội dung chính: Truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc lá qua việc quảng bá các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh in trên vỏ bao thuốc lá và trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức cuộc thi sáng tác video clip, ảnh, tranh áp phích cổ động với chủ đề “Cuộc sống không khói thuốc lá” trên mạng xã hội nhằm khuyến khích giới trẻ tham gia hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.
Về công tác truyền thông của chiến dịch sẽ được cụ thể hóa bằng 2 đoạn quảng cáo truyền hình (TVC): “Thuốc lá đang tàn phá cơ thể bạn” và “Thuốc lá đang tàn phá cơ thể con bạn từ bên trong” nhằm mô tả trực quan những tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe do hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động gây ra đổi với trẻ em và người lớn. Hai đoạn quảng cáo này sẽ được phát trên kênh truyền hình quốc gia và một số kênh truyền hình địa phương.
Về cuộc thi “Cuộc sống không khói thuốc lá”, các tác phẩm dự thi theo 3 loại hình: videp clip, ảnh, tranh áp phích cổ động được đăng trên facebook.com/Vn0khoithuoc từ 22/2 đến 31/5.
Giải thưởng gồm 3 giải Nhất, 3 giải Nhì và 3 giải Ba.
Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) năm 2010, 47,4% nam và 1,4% nữ (từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam hút thuốc lá. Điều này có nghĩa là hơn 15 triệu người trưởng thành hút thuốc lá. Thêm vào đó, 73,1% người trưởng thành bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nhà, 55,9% người lao động bị phơi nhiễm thụ động với thuốc lá tại nơi làm việc.
Sẽ hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnhBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh.
Theo dự thảo, chỉ sử dụng thuốc lá làm yếu tố để xây dựng tính cách, nội tâm nhân vật trong trường hợp khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định. Đặc biệt, không thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh hành vi bị nghiêm cấm và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá quy định tại Điều 9 và Điều 13 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này. Không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Không sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sẽ hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Cụ thể, trong tác phẩm sân khấu, chỉ sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong 2 trường hợp: Để xây dựng tính cách, nội tâm nhân vật; hoặc để phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá. Đối với tác phẩm điện ảnh, nhằm hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra 2 phương án. Phương án 1 là hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh. Trong trường hợp phim có nhiều hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định thì phải có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh trước khi chiếu phim và được phân loại hợp lý để phổ biến theo lứa tuổi. Còn ở phương án 2, Bộ dự kiến, hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong phim xuất hiện không quá 2 lần/bộ phim hoặc tập phim (đối với phim nhiều tập), với tổng thời lượng không quá 20 giây. Trường hợp phim có hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá vượt quá quy định trên thì phải có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh trước khi chiếu phim và được phân loại hợp lý để phổ biến theo lứa tuổi. Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất thế giới, với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc lá. Đồng thời, hai phần ba phụ nữ và trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Mỗi năm, thuốc lá gây ra hơn 40.000 ca tử vong sớm và hàng trăm nghìn ca bệnh. Vì vậy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không khuyến khích sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu để tránh cổ xúy cho việc hút thuốc được cho là cần thiết. Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây. Theo Tuệ Văn/Chinhphu.vn, 21/02/2014 |