ThienNhien.Net – Không chỉ là thiết bị phát điện, các turbine gió còn cả khả năng tạo ra sét. Lần đầu tiên, giới khoa học đã có trong tay bằng chứng video về khả năng đáng sợ này của các turbine gió.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, turbine gió có thể trở thành trung tâm của những cơn bão sấm sét lạ thường, với những tia chớp nhoáng có thể lan hướng lên phía trên tới 2km. Mặc dù các nhà quản lý turbine gió đều biết về vấn đề này, nhưng cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa thể giám sát hiện tượng một cách chi tiết do tình trạng bão.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Joan Montanyà thuộc Đại học Bác khoa Catalonia (Barcelona, Tây Ban Nha) mới đây đã quay được một thước phim tốc độ cao đầu tiên về cảnh tượng các turbine gió sản sinh ra sét. Cùng với đoạn video, nhóm nghiên cứu của giáo sư Montanyà cũng đã thiết lập một dàn cảm biến radio đặt xung quanh và cách hàng loạt cánh đồng điện gió ở Tây Ban Nha khoảng vài km.
Theo tạp chí Ars Technica, nhờ sử dụng thiết bị cảm biến radio, các nhà nghiên cứu đã có thể lập bản đồ 3D về vị trí của những đợt phát tỏa sóng vô tuyến sét. Vì hầu hết các turbine gió cao 60 – 150 mét, nên chúng rất dễ bị sét đánh.
Giáo sư Montanyà và các cộng sự phát hiện, trong những điều kiện môi trường nhất định, các cánh turbine đang dịch chuyển có thể tự tạo ra một tia sét mỗi lần chúng ở vị trí cao nhất. Trong một vài trường hợp, nhóm nghiên cứu đã quan sát được các chớp nháy tuần hoàn, cách nhau 3 giây phía trên các turbine gió. Ở một trường hợp cá biệt, hiện tượng đã kéo dài tới hơn 1 giờ đồng hồ.
Những tia sét sản sinh như trên có thể hủy hoại chính các cánh turbine. Một vụ bùng nổ sét trên một cánh turbine không được bảo vệ từng dẫn tới sự gia tăng nhiệt độ lên tới 30.000 độ C.
Không giống như máy bay có thân bằng nhôm dẫn điện, các turbine gió hứng chịu sét hoàn toàn, do bất kỳ vật liệu cho thêm nào cũng có thể tăng khối lượng của thiết bị tới mức không chấp nhận được.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, các đầu mút quay của cánh turbine đã bị tích điện thông qua cọ xát với không khí, khiến nó có thể sản sinh ra sét trong những điều kiện nhất định. Giáo sư Montanyà hy vọng có thể phát triển một công nghệ giảm thiểu số lượng tia sét do cấu trúc này tạo ra.