ThienNhien.Net – Năm 2013, sản lượng điện của Việt Nam là 130 tỉ KWh, đủ đáp ứng nhu cầu cho kinh tế, đời sống. Đã đến lúc ngành điện hướng tới công nghệ phát triển nguồn năng lượng sạch, tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính và nhiều rủi ro khác
Trữ lượng điện gió có thể khai thác là khoảng 7.000 MW, tập trung tại các tỉnh ven biển Bình Thuận, Ninh Thuận… nhưng đến nay, Việt Nam chỉ có 2 dự án ở Bình Thuận và Bạc Liêu, với công suất lắp máy 57 MW. Tại cuộc hội thảo về phát triển năng lượng gió do Tổng Lãnh sự quán Mỹ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, cho biết theo quy hoạch phát triển điện quốc gia VII, đến năm 2020, sản lượng điện gió đạt 4,5% tổng sản lượng điện cả nước, năm 2030 phấn đấu đạt 6%.
Còn nhiều rào cản
Ông Thực cho biết năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 37 về cơ chế phát triển điện gió ở Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua điện từ các dự án điện gió với giá 7,8 Cent/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT, có điều chỉnh tỉ giá VNĐ/USD). Dù khá cao nhưng mức giá này vẫn chưa thu hút được nhiều đầu tư.
Hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc phát triển năng lượng tái tạo để mức giá có thể cân bằng với các nước trên thế giới. Ngược lại, nếu giá bán điện quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến người dân. Bộ Công Thương khẳng định sẽ nghiên cứu một mức giá bảo đảm cho chủ đầu tư, dự kiến cuối năm 2014 sẽ trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Quyết định 37 cũng như mức giá mới. Mặt khác, quy hoạch phát triển điện gió đã được Bộ Công Thương trình nhưng Chính phủ vẫn chưa phê duyệt.
Theo bà Phạm Thị Dung, chuyên viên cao cấp của Vụ Năng lượng mới và năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, kế hoạch phát triển điện gió ở Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản vì chưa có các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Thậm chí, xây dựng – đầu tư vào điện gió không nằm trong danh mục được hỗ trợ tín dụng của nhà nước.
Bên cạnh đó, có sự xung đột trong các mục đích sử dụng đất khác nhau. Chẳng hạn, Bình Thuận có tiềm năng lớn về phát triển điện gió nhưng cũng có tiềm năng về khoáng sản. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên phát triển điện gió, đưa khoáng sản vào diện dự trữ quốc gia nhưng trên thực tế, nhiều dự án điện gió nằm trong khu vực chồng lấn đã phải dừng lại, chờ cơ quan chức năng xem xét.
Doanh nghiệp Mỹ quan tâm
Bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM, cho biết rất nhiều doanh nghiệp (DN) Mỹ quan tâm đến điện gió Việt Nam. Trong đó, nhiều DN đã cam kết hỗ trợ sự tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Chia sẻ những thành công trong quá trình phát triển điện gió của Mỹ, ông Mark Trible, Trưởng dự án Năng lượng sạch Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đề cao vai trò của cơ chế tài chính DCA. Cơ chế DCA cung cấp các khoản vay tín dụng mà có thể USAID sẽ chi trả đến 50% trong trường hợp bên vay thua lỗ.
“Tất nhiên, USAID sẽ làm tất cả biện pháp để giúp bên vay không bị lỗ. Thực ra, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo rất khó vay vì phần lớn ngân hàng không thẩm định được công nghệ mới này. Vì thế, các bảo lãnh của DCA sẽ giúp ngân hàng địa phương trở thành đối tác của nhà đầu tư. Hiện nay, tổng vốn huy động của DCA đã lên đến 270 triệu USD. Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tái tạo đã giúp Mỹ giảm phát thải 42.000 tấn CO2/năm” – ông Mark Trible cho biết. Theo kế hoạch, vào tháng 3-2014, đoàn công tác DCA sẽ đến Việt Nam tìm hiểu cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng.
Ông Craig O’Connor, Giám đốc Văn phòng Năng lượng tái tạo và Môi trường – Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ, cho biết tổng vốn của văn phòng đã lên đến 1,77 tỉ USD nhưng không đề cao lợi nhuận mà nhằm hỗ trợ các nước phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn vốn này có thể hỗ trợ DN Mỹ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo lên đến 30% cũng như các khoản vay ưu đãi kéo dài đến 18 năm, lãi suất 3,3%-4,1%.
Các khoản tài chính dài hạn với lãi suất thấp góp phần kéo giảm chi phí sản xuất điện gió. Dự án cho vay phát triển điện gió đầu tiên của Văn phòng Năng lượng tái tạo và Môi trường tại Việt Nam dành cho Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý. Nguồn vốn này được sử dụng để mua 52 turbin gió từ Công ty GE Power and Water của Mỹ. Với gói vay này, Công ty Công Lý cũng được mở hợp đồng bảo hiểm nhiên liệu trong 25 năm (nhằm ổn định giá cả trước những biến động về năng lượng).
Nghiên cứu sử dụng ổn địnhTheo bà Pinsuda Alexander, Giám đốc Cơ quan quốc gia vùng Nam và Đông Nam Á Văn phòng Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA), năng lượng chiếm đến 37% trong số tổng ngân sách của USTDA hỗ trợ các DN Mỹ. Tháng 10-2013, một DN Mỹ là Công ty GE Energy Consulting đã ký với Cục Điều tiết điện lực một thỏa thuận về việc hỗ trợ kỹ thuật xây dựng quy định đấu nối điện gió và nghiên cứu tích hợp tái tạo tại Việt Nam. Nghiên cứu đưa ra những quy định nhằm đưa điện gió vào sử dụng ổn định trong lưới điện quốc gia, đồng thời đưa ra các dự báo tin cậy về nguồn cung ứng điện gió lâu dài. |