ThienNhien.Net – Những cái đầu thú hoang nguyên lông lá với đôi mắt trợn trừng buồn thảm bị treo ngược trong tủ kính, thân bị xẻ thịt loang đỏ máu, có con chỉ còn trơ bộ xương sườn… là cảnh vẫn đập vào mắt những du khách khi trẩy hội chùa Hương (huyện Mỹ Ðức, Hà Nội). Dù nhiều người lên tiếng về sự phản cảm này nhưng mùa lễ hội năm nay, những cảnh này vẫn đang tiếp diễn…
“Luật bất thành văn”
Bến Ðục, tháng Giêng mưa rét, chùa Hương có vẻ vắng khách hơn mọi ngày. Chúng tôi nhờ một người dắt mối dẫn xuống đò qua suối Yến. Ngoài giá vé đi đò 35 nghìn đồng mỗi người do Ban quản lý khu di tích chùa Hương quy định, người đàn ông nhỏ thó dặn: “Sau khi đi đò trở về đưa thêm 200 nghìn đồng nữa cho anh và người chèo đò”. Cò mồi ở chùa Hương vẫn đứng nhan nhản dẫn dắt du khách xuống đò. Vào cửa Phật, hành hương mà vẫn muốn “tốc độ”, đi nhanh mỗi nơi một tý, còn công kia việc nọ, chưa kể bọn trẻ muốn “phượt” nhanh nữa. Ai cũng muốn sớm vào lễ Phật, cho nên đành chịu mất thêm tiền cho cò mồi.
Hơn bốn nghìn con đò hoạt động ở đây, ngoài số tiền Ban tổ chức trả cho mỗi chuyến đò từ 100 đến 150 nghìn đồng, họ lại còn phải trả thêm cho người chèo đò bằng hoặc hơn số tiền đó. Theo lời chị lái đò, mỗi ngày con đò nhỏ của chị chở khoảng bốn đến bảy chuyến. Với khoảng 300 nghìn đồng mỗi chuyến, trong ba tháng lễ hội, người chèo đò bến Ðục cũng kiếm khá.
Ðã đi trẩy hội, người ta xem việc trả thêm tiền đò như là thứ “luật bất thành văn”, đương nhiên phải lụy. Người dẫn mối thường chủ động mua vé tham quan, vé đò cho từng nhóm khách, dẫn họ xuống con đò đủ vừa với nhóm khách. Vì thế những ai đi đơn lẻ sẽ khá tốn kém khi phải thuê riêng, còn nếu chờ đợi để Ban tổ chức ghép sẽ mất rất nhiều thời gian, có khi lỡ cả việc hành lễ. Thế mà nghe bảo Ban tổ chức hứa là “hành khách sẽ không phải trả thêm chi phí nào ngoài 35 nghìn đồng tiền vé”. Hứa cứ hứa nhưng không thực hiện, có ai phạt thất hứa đâu!
Dòng suối Yến đục lờ, những con đò như những chiếc lá mỏng lặng lẽ trườn đi. Từng nhóm người hành hương nhẫn nại ngồi thụp trên lòng đò. Người ta bảo suối Yến chỉ sâu 1 m, nên trên đò không trang bị áo phao. Chỉ ở những chỗ sâu, Ban tổ chức đóng cọc treo thêm áo phao. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, những chiếc áo phao được treo ven bờ, cũng đồng nghĩa nếu chẳng may đò bị đắm thì hành khách cũng phải tìm cách bơi vào bờ rồi thì mới lấy được áo.
Ðể giữ cho suối không ô nhiễm, Ban tổ chức cấm thuyền máy chở khách. Nhưng trong khi những con đò nhọc nhằn trườn từng tý một, mỗi chuyến phải cò cưa của du khách mất đứt hơn hai giờ, thỉnh thoảng vẫn có những chiếc thuyền máy phóng qua, xịt khói khét lẹt. Người lái đò nói “đó là thuyền máy của Ban quản lý”, nhưng ngồi trên đò vào, chúng tôi đếm được khoảng hơn chục thuyền máy vụt qua, trên thuyền toàn khách hành hương, chứ không thấy người thực thi nhiệm vụ.
Chúng tôi giật mình nhìn dọc hai bên bờ suối. Cứ chốc chốc lại có một biển quảng cáo đặc sản chùa Hương, trên đó có ảnh các loài động vật hoang dã, còn ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Cán bộ của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, chính chỗ này năm ngoái, họ hỳ hụi treo lên tấm băng-rôn: “Ðầu năm tích đức, cả năm an lành – Không tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã”. Bây giờ thay vào đó là biển quảng cáo đặc sản chùa Hương kèm thêm ảnh nai, hoẵng, cầy hương…
Hóa ra, đặc sản để cuốn hút khách hành hương đến cửa Phật lại chính là thịt thú rừng!
Oái oăm nơi đất Phật
Dừng chân ở suối Yến, được nhà hàng của người môi giới đò mời mọc ăn cơm trưa trước khi lên động. Trên bàn làm món và trong tủ kính treo cầy hương, nhím, nai. Chủ nhà đon đả: “Thịt thú rừng 100% đấy, không đúng không lấy tiền. Hàng này bẫy trên rừng, rất hiếm nên giá hơi đắt, 800 nghìn đồng một cân, anh chị ăn luôn hoặc chút nữa mua mang về làm quà cũng được”.
Trái với lo ngại ban đầu của chúng tôi, máy ảnh giấu trong túi và nghĩ là phải chụp ảnh trộm, câu nói của chủ nhà khiến chúng tôi rút máy ảnh ra chụp thoải mái. Thậm chí, mấy người làm cũng phụ họa, lật lật con thú chỉ cho chúng tôi chụp ảnh và luôn miệng khẳng định, “thịt cầy hương hoang dã đấy, ăn thử biết liền, ngon lắm!”.
Nếu suy theo cái lẽ thường là mỗi một vùng quê hay lễ hội thường gắn với một đặc sản, thì món mà những “con dân” ký sinh vào chùa Hương đem ra “nhử” du khách thật là “ghê rợn”. Bởi không ai tin được rằng, khách đi lễ chùa lại có thể ngắm nghía người ta xẻ thịt con thú còn để nguyên cả lông để chứng minh là nó hoang dã, chén đẫy bụng rồi vào động chắp tay lễ Phật. Không chỉ ở phố Yến, mà cả dọc con đường từ bến Trò lên chùa Thiên Trù, gần như hàng quán nào cũng có tủ treo thịt động vật.
Ngay trước cửa Phật, những con thú bị xẻ thịt, móc ngược hàm treo lên, máu me vẫn ròng chảy. Có những đôi mắt nai, mắt nhím vẫn mở trừng buồn thảm. Không hiểu những người hành hương cầu an trước cõi linh, khi nhìn vào những đôi mắt ấy có chạnh lòng?
Vào bất cứ nhà hàng nào để hỏi, chủ quán đều cam đoan đó là thịt thú rừng, còn phía Ban quản lý lại cho biết, đó chỉ là “thú rừng được nuôi”. Họ nuôi nào hươu, nai, chồn, sóc, nào cầy hương, nhím… có vẻ ở đây, con gì cũng đều có cả.
Ở những nơi khác, nhà hàng còn giấu giá, chứ thịt gắn mác thú rừng ở đây giá được bày công khai, cao ngất ngưởng. Cầy hương, sóc được rao bán từ 800 đến 850 nghìn đồng/kg, thịt hươu, nai, nhím 500 đến 550 nghìn đồng/kg. Ngoài những con thú bị móc hàm treo ngược trong tủ, trên mặt bàn, chủ quán còn thái sẵn, khi khách hỏi đến thì chỉ vào từng đĩa thịt đỏ tươi không rõ nguồn gốc mà hét giá. Vậy nên, ngoài bị chặt chém bởi tiền đò, dịch vụ đổi tiền lẻ, bữa ăn trước cửa chùa cũng đã có giá “cắt cổ” với du khách.
Nếu như mọi năm, thịt gắn mác thú rừng vẫn treo lủng lẳng trước cửa quán, va cả vào khách hành hương, thì năm nay thịt được treo vào tủ kính, nhiều tủ được dán ni-lông mờ hai mặt. Theo thông báo của Ban quản lý thì chỉ có 14 quán ăn tại khu vực Thiên Trù trong số 311 gian hàng được đơn vị này cấp phép hoạt động tại lễ hội. Nhưng thực tế khảo sát của ENV thì tại đây có đến 45 nhà hàng, trong đó có 37 quán bày bán thịt các loại thú rừng như cầy, nhím, dúi, hươu, nai… Một thống kê cũng của tổ chức này vào năm ngoái thì có tới 46 trong tổng số 50 nhà hàng ở chùa Hương vẫn ngang nhiên bày bán và quảng cáo động vật hoang dã.
Từ bến Trò lên Thiên Trù dọc, chỉ cần đảo mắt hai bên đường, chúng tôi đã nhận ra những cảnh trái ngược. Trong khi những nhà hàng phía bên trái là những “lò sát sinh động vật”, thì phía bên phải dọc suối Yến, nhiều người lại căng biển bày bán chim, cá phóng sinh.
Trước cửa Phật, chuyện sát sinh và phóng sinh đối chọi nhau – vốn dĩ cũng như lòng người – những chuyện hỷ, nộ, ái, ố vẫn đan xen, khó phân định. Chả có gì khó hiểu. Ðằng sau sát sinh và phóng sinh đều có một mẫu số chung: Lợi nhuận. Mua để ăn, và mua để thả! Người hành hương cũng đến chùa theo nhiều cách khác nhau, có người ăn chay niệm Phật dọc lối lên chùa, có người vẫn sẵn sàng bỏ ra tiền triệu chỉ để thỏa mãn thú ăn uống trần tục trước khi chắp tay vái trước cửa Phật. Không chỉ thế, nhiều người còn coi thịt thú rừng như một đặc sản chùa Hương, sánh cùng quả mơ, rau sắng cho nên sẵn sàng bỏ nhiều tiền mua thịt mang về làm quà. Bởi thế, bao năm nay nạn xẻ thịt thú rừng, và cả những thịt giả thú rừng lừa bịp thực khách vẫn xảy ra mỗi mùa lễ hội.
Vẫn chuyện “biết rồi nói mãi”
Từ đầu mùa lễ hội, thay vì cấm hẳn, đại diện Ban quản lý Khu di tích chùa Hương vẫn tuyên bố: “Thịt động vật được bày bán, treo móc ở chùa Hương trông phản cảm nhưng không thể không treo, vì đây là cách bảo quản thực phẩm và bán hàng truyền thống của người dân!”.
Chùa Hương khai hội từ ngày mồng 6 tháng Giêng hằng năm, lễ hội kéo dài tới trung tuần tháng 3 Âm lịch. Tương truyền, đây vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương, sau này trở thành ngày khai hội, mở cửa rừng cũng là mở cửa chùa. Mặc dù chưa có nhà văn hóa nào giải thích nguồn gốc coi thịt thú rừng như một đặc sản ở chùa Hương, nhưng có thể luận ra rằng, có lẽ việc mở cửa rừng và cửa chùa cùng ngày trong dân gian là lý do khiến thịt thú rừng tràn ngập ở lễ hội chùa Hương.
Thú rừng bị săn bắn đến mức có thể bị tận diệt và nhiều loài mà các nhà hàng chùa Hương vẫn bày bán đã được Nhà nước quản lý trong các danh mục các loài động vật hoang dã quý hiếm cần bảo vệ. Vì thế, việc ngang nhiên xẻ thịt và bày bán thịt thú rừng là hành động trái phép.
Ðặt giả thuyết, đó chỉ là thịt thú rừng giả hoặc “thú rừng nuôi” như Ban quản lý chùa Hương nói, thì cũng nên công bố nuôi ở đâu, hộ gia đình, hay nuôi trang trại và nuôi những loài nào, có trong danh mục được phép nuôi nhốt không, hay phải thả về rừng?
Dù thế nào đi nữa, nhiều nhà hàng ở đây cũng đang có hành vi hoặc công khai lừa gạt du khách, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm; hoặc vi phạm pháp luật bảo vệ động vật hoang dã.
Mấy năm gần đây, tổ chức ENV đã liên tục có công văn gửi các cấp chính quyền đề nghị chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã tại lễ hội chùa Hương. Tuy nhiên, đến mùa lễ hội, dù đã đưa ra nhiều biện pháp, đã có nhiều cam kết, nhưng thực tế, thịt thú rừng và thịt giả thú rừng vẫn được ngang nhiên bày bán ở chùa Hương.
Chị Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV bức xúc: “Việc treo, xẻ thịt, bán thịt thú rừng phản cảm ở chùa Hương không chỉ gây bức xúc cho các nhà bảo tồn thiên nhiên mà cộng đồng cũng lên tiếng phản đối rất nhiều. Ngay tại cửa Phật linh thiêng, một lễ hội hướng thiện và đã là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, cảnh xẻ thịt, sát sinh lại diễn ra công khai trước mắt các cơ quan chức năng. Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cũng từng bày tỏ quan điểm trước báo giới về hình ảnh gây phản cảm khi động vật bị mổ xẻ, treo công khai tại chùa Hương.
Vẫn biết đó là chuyện “biết rồi nói mãi”, nhưng khi cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp nào xử lý triệt để, và thịt động vật hoang dã vẫn dễ mua thì đây vẫn là vấn đề cần được UBND thành phố Hà Nội phối hợp UBND huyện Mỹ Ðức và Ban quản lý di tích chùa Hương giải quyết sớm, trả lại vẻ đẹp thanh tịnh cho cảnh quan cho chùa Hương Tích và giá trị một lễ hội cấp quốc gia lớn nhất nước kéo dài trong ba tháng mùa xuân.