ThienNhien.Net – Đi trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Giữa ngút ngàn xanh của bao la núi rừng Trường Sơn như trong một ca khúc về vùng đất địa linh này, nhạc sỹ Hoàng Vân xúc động trước trời nước mênh mang, miêu tả: “Trời Tây Nguyên xanh / Hồ trong nước xanh / Trường Sơn xa xanh / Ngút ngàn cây xanh…”. Tôi đã từng đến nơi đây, không chỉ một lần. Và mỗi lần đặt chân lên mảnh đất trời xanh, nước xanh này vẫn thấy mình bé nhỏ trước núi rừng xanh hùng vỹ ấy. Nơi đó có núi, có rừng và cả tiếng kèn Abel gọi bạn tình, yêu thương, hờn giận réo rắt bên lưng rẫy, hòa với xao xác lá rừng Trường Sơn.
Thị trấn P’rao, thủ phủ của huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam nằm cách TP Đà Nẵng gần 100km về phía Tây, dọc theo tuyến Quốc lộ 14G, là cái tên khá quen thuộc và dễ nhớ đối với những người đam mê khám phá, trên suốt chặng đường dài hơn 200km, chỉ có P’rao là thị trấn duy nhất du khách có thể dừng chân. Đông Giang là nơi sinh sống với số lượng đông của đồng bào dân tộc Cơtu. Đông Giang cũng là nơi mà những nét văn hóa đặc sắc nhất của người Cơtu được bảo tồn, gìn giữ gần như nguyện vẹn với những nét văn hóa truyền thống và vô cùng độc đáo. Du khách đến nơi này như được hòa mình vào văn hóa của người bản địa, bên ché rượu cần, rượu Tà-vạt, Tr’đin (loại rượu có một không hai ở vùng này được chế biến từ nhựa cây Đoát), thưởng thức hương vị cơm lam đượm hương rừng của Tây Nguyên, nhấm nháp miếng thịt nướng ống zarắc cùng với rau rừng, cá suối trong không gian nhà Gươl, nhà Moong truyền thống của đồng bào Cơtu nơi đây…
Có người từng nói, núi rừng Trường Sơn không thể so sánh được với sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc. Nếu bạn thực sự tin như vậy, mời bạn hay thử một lần cầm lái vượt đèo Kền dài như trái nhà Moong, ngôi nhà dường như cứ dài ra mãi theo thời gian, chót vót cao in bóng trên nền trời xanh thẳm, chênh vênh như mái nhà Gươl vẫn che bóng nắng cho lũ trẻ trong làng, cho điệu múa T’tung, Zază quyến rũ của những chàng trai, cô gái Cơtu hòa trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng rộn rã ngày hội đâm trâu.
Đến Đông Giang, những bước chân lãng du còn được thỏa mãn với làn nước ấm áp tại suối nước nóng Sông Kôn. Những đôi mắt tò mò khám phá còn có cơ hội bát ngát nương chè tại đồi chè Trung Mang thuộc Nông trường Quyết Thắng. Trải nghiệm văn hóa Cơtu tại làng Văn hóa Du lịch Bhờ Hôồng ở xã Sông Kôn, làng Văn hóa Du lịch Đhơ Rôồng ở ngay thị trấn P’rao… và những nét tinh tế của nghề dệt thổ cẩm truyên thống của những cô gái Cơtu đang ngày ngày dệt nên những tấm vải mang đậm sắc màu Trường Sơn.