ThienNhien.Net – Theo các nhà khoa học, việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất là đột phá giúp các nước bảo đảm an ninh lương thực, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với Việt Nam, từ năm 2011, một số giống ngô biến đổi gen đã được đưa vào khảo nghiệm, song đến nay cây trồng biến đổi gen còn khá xa lạ với người Việt Nam…
Cây trồng biến đổi gen có nhiều ưu điểm nổi bật như cảnh báo sâu bệnh sớm, thiệt hại ít, năng suất cao, có tính chịu hạn, chịu mặn, thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, rất thích hợp đưa vào sản xuất tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trên thế giới cây trồng biến đổi gen đã xuất hiện gần 20 năm và được đưa vào sản xuất ở 28 quốc gia với diện tích hơn 170ha và bình quân mỗi năm diện tích trồng cây biến đổi gen tăng 11%. Tại Mỹ, 80% sản phẩm ngô và 70% đậu tương biến đổi gen đã được dùng trong chế biến thức ăn cho gia súc. Tại Việt Nam, năm 2011, Bộ NN&PTNT cùng các thành viên Hội đồng An toàn sinh học quốc gia đã tiến hành khảo nghiệm một số giống ngô kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ như TC1507, BT11, GA21… Bộ NN&PTNT đã công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống ngô biến đổi gen và đang trình Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép an toàn sinh học.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam trong năm 2013 đạt 3 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2012. Việt Nam vốn có thế mạnh đối với nguồn nguyên liệu này, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ, chưa khai thác. Trung bình mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu 5,84 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, cần quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đa dạng hóa nguyên liệu, trong đó sản xuất cây biến đổi gen được xem là giải pháp tối ưu. Ông Đặng Trọng Lương, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) khẳng định, qua việc nghiên cứu công nghệ biến đổi gen trong lĩnh vực cây trồng, các chuyên gia đã nghiên cứu chỉ thị phân tử để lựa chọn, lai tạo các giống cây trồng nhằm tìm ra các gen có ích phục vụ công tác chọn, tạo giống với ưu điểm nổi bật như kháng sâu bệnh, thích ứng các điều kiện tự nhiên do biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Đối với Hà Nội, cuối năm 2013, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thành lập Ban Tái cơ cấu ngành, trong đó đề ra mục tiêu, đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), Hà Nội là Thủ đô của cả nước, việc hiện đại hóa nông nghiệp là điều tất yếu phải làm. Hà Nội có diện tích ngô và đậu tương khá lớn, trong khi các giống ngô biến đổi gen có kháng thể với bệnh sâu đục thân, một bệnh thường gặp ở cây ngô. Đặc biệt, các giống biến đổi gen không sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ an toàn cho môi trường và sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại Hà Nội vẫn phải chờ hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT mới đưa vào sản xuất theo lộ trình; đồng thời cân đối hợp lý với nguồn giống bản địa, bởi Hà Nội có nhiều giống ngô, đậu tương thuần tốt, chất lượng cao.
Trên thực tế, việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất sau khảo nghiệm còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu phát triển hệ thống nhà lưới khảo nghiệm, nhằm đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen của Việt Nam còn nghèo nàn, chưa đáp ứng đủ các điều kiện nghiên cứu. Công tác nghiên cứu, giám định cây trồng, sản phẩm biến đổi gen và đánh giá an toàn sinh học ngoài đồng ruộng cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết nông dân ngại tiếp nhận cây trồng biến đổi gen và sử dụng các sản phẩm từ loại cây trồng này. Bởi lẽ, để đưa cây biến đổi gen vào sản xuất, nông dân cần chuyển đổi loại cây trồng, vật nuôi cũng như chuyển đổi khung thời vụ và phải có cơ sở, mặt bằng đồng ruộng sản xuất phù hợp. Do vậy, Nhà nước cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng mô hình thông qua hoạt động khuyến nông hoặc các hoạt động hợp tác công – tư khác.
Để nhanh chóng đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các mô hình trình diễn một số giống ngô biến đổi gen. Bộ NN&PTNT cũng trình Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo việc triển khai một số mô hình trồng các giống ngô này trong quý I và II năm 2014 tại 6 tỉnh: Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, với quy mô 1,5-2ha giống/mô hình. Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để bảo đảm an toàn sinh học tuyệt đối trong quá trình khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen, trong quá trình khảo nghiệm, nếu xảy ra bất ổn với sản phẩm, môi trường, việc khảo nghiệm sẽ dừng ngay lập tức và tiêu hủy triệt để, dưới sự chứng kiến của hội đồng thẩm định và sự giám sát của các bộ, ngành liên quan.